Mỹ-NATO quyết chặn Nga biến Đại Tây Dương thành ‘ao làng’

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo giới phân tích Mỹ, Hoa Kỳ và các đồng minh khối NATO đang tìm mọi cách ngăn chặn hải quân Nga tiếp cận Đại Tây Dương.
Mỹ-NATO quyết chặn Nga biến Đại Tây Dương thành ‘ao làng’
Mỹ và NATO đã mở lại căn cứ không quân Keflavik ở Iceland và căn cứ tàu ngầm Olavsvern ở Na Uy

Mỹ-NATO gia tăng khôi phục các căn cứ cũ

Mới đây, nhà báo Christopher Woody của tờ báo Mỹ Business Insider đã nói về cách Hoa Kỳ có thể chặn đường tiếp cận Đại Tây Dương của Nga. Theo ông này, NATO có một “vũ khí bí mật chống Nga”.

“Nhờ có căn cứ không quân Keflavik gần Reykjavik [thuộc Iceland], máy bay trinh sát của Mỹ sẽ giám sát chặt không gian giữa Greenland, Iceland và quần đảo Anh, nơi mà Hải quân Nga hùng mạnh có thể sử dụng để xâm nhập Đại Tây Dương” - tác giả viết.

Bài báo cho biết Mỹ đã đóng cửa căn cứ ở Iceland vào năm 2006, nhưng hoạt động của NATO tại địa điểm này đã tăng lên trong vài năm qua do sự gia tăng hoạt động quân sự của Moscow, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm, tàu do thám, máy bay trinh sát hải quân và các máy bay ném bom chiến lược.

Trong các năm 2018 và 2020, Hoa Kỳ đã phân bổ 14,4 triệu USD và 38 triệu USD để phát triển và tái thiết cơ sở hạ tầng căn cứ không quân Keflavik.

Nhà báo Christopher Woody nói rằng, Không quân Mỹ sẽ nối lại các chuyến bay tuần tra trong khu vực bằng máy bay tuần tiễu chống ngầm Boeing P-8A Poseidon tốt nhất của họ - loại máy bay được thiết kế để chuyên săn lùng và tiêu diệt tàu ngầm đối phương.

Ngoài ra, trong thời gian qua, Mỹ và NATO đã mở lại căn cứ hải quân bí mật thời chiến tranh Lạnh cho các tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng của Mỹ ở Olavsvern - Na Uy. Theo đó, căn cứ này sẽ mở cửa cho ít nhất 3 tàu ngầm lớp hạt nhân lớp Seawolf của Hải quân Mỹ, mang các tàu ngầm hạt nhân Mỹ tới sát bờ biển Nga.

Căn cứ tàu ngầm hải quân Olavsvern rộng 25.000 km², bị đóng cửa vào năm 2002, là một khu phức hợp khổng lồ được khoét sâu vào trong lòng dãy núi gần Tromso. Cơ sở bán ngầm này có các bến tàu ngầm nước sâu có thể chứa và phục vụ cho các tàu ngầm hạt nhân lớn.

Căn cứ Olavsvern ẩn mình kín đáo trong các vịnh hẹp ở Na Uy. Bến cảng này được giấu kín, tránh những con mắt tò mò, đằng sau hàng loạt các hòn đảo to nhỏ nằm sát ven biển. Hơn nữa, giá trị của nó nằm ở chỗ từ những hang động ẩn náu, các tàu ngầm, tàu chiến hoặc tàu biển nói chung có thể bí mật lách qua nhiều eo biển và tiến thẳng ra đại dương.

Mỹ-NATO lo ngại về hoạt động của hải quân Nga

Những thông tin này được tung ra trong bối cảnh giới chức quân sự phương Tây đang hết sức lo ngại trước những hoạt động ngày càng gia tăng về mật độ và quy mô của hải quân Nga ở Đại Tây Dương.

Gần đây nhất là vào đầu tháng 9, các nước phương Tây đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về hoạt động của tàu nghiên cứu hải dương học đầy bí ẩn mang tên Yantar của Nga thực hiện nhiệm vụ ở đúng vị trí đường cáp ngầm xuyên Đại Tây Dương chạy qua dưới đáy biển.

Mỹ-NATO lo lắng về hoạt động của hải quân Nga ở Đại Tây Dương

Phương Tây nghi ngờ rằng người Nga đang thực hiện các nhiệm vụ gián điệp hoặc chuẩn bị cho các hoạt động phá hoại trong tương lai. Theo họ, chiếc tàu Nga có thể dễ dàng hạ "thứ gì đó" xuống đáy biển để hoặc là đặt thiết bị đó bên cạnh đường cáp ngầm [nghe lén?] hoặc đơn giản là cắt đứt nó.

Ngoài ra, trong năm 2020, giới quân sự phương Tây đã bị “sốc” khi số lượng tàu ngầm của Nga đi vào khu vực Bắc Đại Tây Dương đã gia tăng đáng kinh ngạc cả về số lượng lẫn tần suất hoạt động, có lúc lên tới 10 chiếc một thời điểm.

Theo tập đoàn truyền thông Đức RND dẫn báo cáo của NATO cho biết, Hải quân Nga đã triển khai tàu ngầm với số lượng nhiều hơn, thời gian lưu lại dài hơn tại các khu vực của Đại Tây Dương, với các tốp hai hoặc ba tàu ngầm tới khu vực vùng biển Anh và sang tới bờ biển phía đông nước Mỹ.

Theo nhận định của NATO, Hải quân Nga đang mở rộng phạm vi địa lý trong hoạt động chiến đấu và tuần tra, biến các vùng biển xa lãnh hải của mình thành "những vùng biển thân thuộc", mà trước mắt là biến Đại Tây Dương thành "ao làng" của Nga.

Sự đáng sợ nằm ở chỗ, thường là các tàu ngầm Nga chỉ bị phát hiện khi chúng hoàn thành nhiệm vụ, nổi lên hoạt động công khai, như một động thái “phô trương sức mạnh” ghê gớm của Moscow.

Sự “thần thông quảng đại” của các tàu ngầm Nga đã gây ra mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ và các tàu chiến của NATO, tước đi "bến đỗ an toàn" đối với hạm đội của họ, khiến giới chức lãnh đạo Mỹ hết sức lo ngại về nguy cơ hứng chịu cú đánh chết chóc bất ngờ từ dưới đáy biển.

Do đó, thật dễ hiểu là tại sao Mỹ và NATO đang cố gắng khôi phục hoạt động những căn cứ hải quân đồng minh ở các vùng lãnh thổ sát Nga, nhằm lập một vành đai cô lập, phát hiện tự sớm những hoạt động của Hải quân Nga.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật