Giáo viên trèo đèo lội suối đi gieo chữ cho học sinh vùng cao

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không ngại đường sá xa xôi, những giáo viên vùng cao hàng ngày vẫn cần mẫn vượt hàng chục km đường đất đỏ, dốc ngược thẳng đứng để lên bản dạy chữ cho học sinh.
Giáo viên trèo đèo lội suối đi gieo chữ cho học sinh vùng cao
Cô giáo bị ngã xe khi tới bản để dạy học cho các em. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Dù cuộc sống và điều kiện dạy học trên vùng sâu vùng xa vất vả, thiếu thốn nhưng những thầy giáo, cô giáo trẻ vẫn tình nguyện về đây dạy chữ cho trẻ em. Ngày nắng còn đỡ, có những hôm mưa lụt, thầy cô phải trèo đèo, lội suối qua hàng chục, hàng trăm km đất đỏ để tới điểm trường. Hay thậm chí, có những em bị bố mẹ bắt bỏ học, thầy cô lại lặn lội đường sá xa xôi lên bản, thuyết phục gia đình để đưa em trở lại trường.

Mình không đi thì ai dạy bọn trẻ

Báo từng đưa tin về trường hợp cô giáo Trang (biệt danh Ròm) hiện đang công tác tại điểm trường Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi. Mới đây những hình ảnh cô bị té được chia sẻ trên mạng xã hội và viral. Nói về hình ảnh cả người và xe nằm giữa đất đỏ lầy lội, nữ giáo viên chia sẻ: “Tôi vừa đau vừa mắc cười nên chụp lại hình ảnh làm kỷ niệm và đăng lên Facebook cá nhân, không ngờ nhận được nhiều chia sẻ và động viên đến vậy.”


Vất vả nhưng cô vẫn cười thật tươi. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Trên trang cá nhân, cô cũng từng chia sẻ lại cảm xúc của bản thân về những hình ảnh này: “Ròm vừa mới tới nơi, phụ huynh vui tính bảo: Cô lên tới nơi được hả, chân cô ngắn mà sao tới hay thế. Eo ơi, Ròm nở cái lỗ mũi to ơi là to, định nói "cô tay lái lụa mà". Nghĩ khiêm tốn tí nên không có nói, đáp lại bằng nụ cười thật tươi. 

Hên là chưa nói tay lái lụa, chứ không thấy cái cảnh này quê chết đi mất. Cảm giác phê thiệt á. Cung đường mang tên Làng Tốt nhưng nó không giống cái tên tí nào cả. Mấy em ơi, có thương cô Ròm thì hoàn thành giúp cô mấy cái nội dung cô giao nhé. Ngày thứ 3 của Ròm trong năm học đặc biệt.”


Các em nhỏ hạnh phúc khi được cô dạy học. (Ảnh: Lao Động)

Nữ giáo viên nhận định, việc giáo viên miền núi đi té xe là bình thường bởi học sinh ở rất xa điểm trường, đường sá lại toàn đất đỏ, toàn dốc cao dựng ngược và một bên là vực thẳm. Khi người khác thắc mắc vì sao là con gái mà kiên cường, giỏi đến vậy, cô giáo cười rồi nói: “Tôi công tác xã Ba Lế 12 năm rồi, đường vào Làng Tốt không chỉ tôi mà nhiều nữ giáo viên đi riết thành quen. Ngày xưa phải đi bộ chứ không đi được xe máy đâu. Lúc trước mỗi năm tôi đi hỏng 1 chiếc xe đó. Mình không đi thì ai dạy bọn trẻ.”

Trèo đèo lội suối để “trồng người”

Nhân dân từng đưa tin về trường hợp thầy Lò Văn Quang sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên đã về trường học ở vùng sâu, vùng xa công tác. Mặc dù công việc vất vả, điều kiện thiếu thốn mọi bề nhưng nam giáo viên chưa bao giờ trách móc hay ghen tị với bạn bè, đồng nghiệp thành phố. 

Thầy Quang nhận định: “Chỉ cần phát huy tốt khả năng, vai trò của bản thân, thì dù làm gì, ở đâu cũng đều là cống hiến cho xã hội. Với lại, nếu người nào cũng chọn việc nhẹ nhàng, thì những việc khó khăn, gian khổ sẽ dành cho ai?” Niềm vui đến khi sau 7 năm công tác, kiên trì dạy học, nơi thầy công tác đã trở thành trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.


Thầy giáo tới trường để dạy cho học sinh. (Ảnh: Nhân Dân)

Năm 2017, thầy lại tiếp tục hành trình mới trong công tác “trồng người” khi chuyển về Trường tiểu học Khong Hin. Ngôi trường này nằm tại khu vực có địa hình hiểm trở nên hàng ngày các em học sinh vẫn phải leo vách núi, lội suối để đi học. Thương học sinh ngày ngày phải vất vả mới đến được trường, nam giáo viên đã cùng đồng nghiệp nấu ăn, sắp xếp chỗ ngủ nghỉ, học hành cho các bé ở lại. 

Không chỉ chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ đến con chữ, ngoài giờ học thầy còn tổ chức các buổi ngoại khóa để học sinh giải trí hay tâm sự khó khăn với giáo viên. Tại những buổi sinh hoạt đầy ý nghĩa này, các em học sinh dân tộc thiểu số đã được dạy nhiều điều mới về cuộc sống và tiếp thêm sức mạnh, nghị lực vượt khó thành tài.

6 năm vì học sinh trèo đèo lội suối

Thông tấn xã Việt Nam từng đưa tin về cô giáo Lò Thị Đăm sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nam Định đã về công tác tại Trường tiểu học Cà Nàng. Vừa dạy, vừa học tiếp lên cao nhưng cô giáo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đăm chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã muốn được trở thành cô giáo, để mang con chữ đến với các em nhỏ ở quê hương mình, giúp các em mở mang kiến thức, phấn đấu thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Được sinh ra và trưởng thành tại Cà Nàng, tuổi thơ tôi gắn với ký ức là những ngôi trường bé nhỏ, lớp học đơn sơ, cùng những thầy cô sớm hôm tận tụy. Vì vậy tôi cảm thấy rất vui sướng và hạnh phúc khi được về giảng dạy trên chính quê hương mình. Ngày đầu tiên nhận lớp, nhìn những ánh mắt ngây thơ, ngơ ngác của các em học sinh, tôi lại có thêm động lực và ý chí để hoàn thành tốt công việc của mình.”


Cô Đăm trên đường tới nhà của học sinh ở bản. (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Hiểu hoàn cảnh của học sinh khó khăn, gia đình lại ngăn cấm không cho đi học nên cô giáo phải đến từng nhà vận động, thuyết phục. Không kể trời nắng hay mưa, cô giáo Đăm kiên trì đi từ bản nọ sang bản kia, băng rừng lội suối mong các em nhỏ có cơ hội đến trường để học con chữ. Mặc dù vất vả nhưng suốt 6 năm qua, cô giáo đã đạt nhiều thành tích như được UBND tặng giấy khen, đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện.

Sự hi sinh của các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa không gì có thể đo đếm. Họ làm việc không phải vì tiền mà trên tất cả đó là cái tâm của người làm nghề giáo. Điều những người thầy, người cô này mong muốn nhất là các em được tới trường, học thêm con chữ để bớt khổ.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật