Tăng hỗ trợ để bà con ở lại

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng ngàn người dân từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê những ngày qua đang tạo ra khó khăn cho các tỉnh trong kiểm soát dịch bệnh và đặt ra vấn đề quan trọng là sẽ thiếu hụt lao động sắp tới. Làm sao để bà con yên tâm ở lại thay vì về quê?
Tăng hỗ trợ để bà con ở lại
Cô Mai Thị Sáng vui mừng nhận tiền của gói hỗ trợ đợt 3 tại phường 12, quận 3, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Đây là vấn đề rất quan trọng được nêu ra những ngày qua. Báo phỏng vấn các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và chuyên gia để tìm lời giải.

* Ông Lê Tấn Dũng (thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH):

Một đồng khi thiếu cũng rất cần

Hiện nay bộ đang chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan để có những giải pháp ổn định thị trường lao động và giữ chân người lao động ở lại TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.

Trước mắt, các địa phương cần triển khai có hiệu quả nghị quyết 68, quyết định 23 (gói 26.000 tỉ đồng), nghị quyết 116 và quyết định 28 (gói 30.000 tỉ đồng) để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đặc biệt, khi giãn cách xã hội từng bước được nới lỏng thì ít nhiều hỗ trợ cho người dân như cách TP.HCM đang triển khai gói hỗ trợ thứ 3 cũng giúp bà con có nhiều lựa chọn khi chi tiêu, nhất là khi các dịch vụ ở TP đang dần mở trở lại. Số tiền không nhiều nhưng giúp người dân chi tiêu thuốc men, nhu yếu phẩm... do phần lớn cạn kiệt nguồn tích lũy.

Người dân cần sớm được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và được hỗ trợ tâm lý do ảnh hưởng của giãn cách xã hội kéo dài. Tiếp nữa, chính quyền đảm bảo vấn đề an sinh xã hội để bà con yên tâm ở lại, bắt đầu từ việc cung cấp nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, rau củ...

Bên cạnh đó, các địa phương cần sớm đảm bảo vùng xanh an toàn phòng dịch để đón công nhân trở lại, song song với việc doanh nghiệp thông tin công khai, cụ thể thời gian sản xuất trở lại để người lao động yên tâm. Ngoài ra, các địa phương cần có chính sách thống nhất như việc phối hợp thông tin lao động di chuyển tới nơi sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

* Ông Vũ Trọng Bình (cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH):

Doanh nghiệp nên chung tay chia sẻ

Cần tiêm vắc xin ưu tiên cho khu công nghiệp, địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm... Có thể phủ vắc xin theo từng khu công nghiệp một để phục hồi sản xuất. Khi phục hồi sản xuất thì người lao động sẽ ở lại làm việc, số người về quê sẽ giảm dần.

Bên cạnh đó, người lao động đang rất khó khăn do tích lũy cạn kiệt, chưa được nhận ngay lương thưởng, nỗi lo mắc COVID-19... Do đó doanh nghiệp cần chủ động có chính sách hỗ trợ cho người lao động trong thời gian chưa thể trở lại nhà máy, nhà xưởng.

Anh Tài (37 tuổi, quê Sóc Trăng), làm công nhân may thời vụ, cả gia đình anh gồm 5 người được hỗ trợ trong đợt 3 - Ảnh: DUYÊN PHAN

* TS Trương Minh Huy Vũ (thành viên Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP.HCM):

Cần 2 thông điệp mạnh mẽ từ chính quyền

Lúc này chính quyền các địa phương lâu nay thu hút nhiều lao động cần nêu rõ thông điệp: giãn cách xã hội nếu có quay trở lại khu vực sản xuất cũng sẽ không đóng lại mà chỉ giới hạn những hoạt động về dân sinh thôi.

Vì thế, trước đây và hiện nay chính quyền TP.HCM đang đưa ra thông điệp kêu gọi người dân ở lại, chính quyền sẽ tiêm vắc xin và lo an sinh thì bây giờ thông điệp trong bối cảnh mới là kêu gọi người dân từ các tỉnh về TP sẽ được tiêm vắc xin và đảm bảo việc làm trong dài hạn.

* Ông Lê Nhật Quang (phó giám đốc Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM):

Có giải pháp đảm bảo an toàn "đất lành chim đậu"

Quy tắc "đất lành chim đậu" vẫn rất đúng lúc này, nếu người lao động thấy an toàn, có lợi ích tự nhiên họ sẽ ở lại. Vì thế, trước mắt cần tập trung đẩy mạnh tiếp tục việc tiêm đủ liều vắc xin, đảm bảo an sinh, nơi ở tại địa phương và tại doanh nghiệp. Mặt khác, có kế hoạch cụ thể công khai về việc đảm bảo công ăn, việc làm.

Về lâu dài, cả doanh nghiệp và người dân cần sự thống nhất, ổn định và dự báo được trước để tính toán bước vào giai đoạn "bình thường mới". Chính quyền cần lên nhiều kịch bản đối phó theo quy tắc "nếu... thì". Có như vậy chúng ta sẽ không thụ động và sẽ tránh sự hoang mang, mơ hồ trong thông tin, tạo tác động tích cực trong xã hội.

* Ông Trương Chí Thiện (tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt):

Tăng phúc lợi cho người lao động

Để giữ chân 60% nguồn lực lao động còn lại hiện nay, ngoài mức thưởng 3 triệu đồng/người cho người còn ở lại làm việc thì mức lương cùng các chính sách chăm lo đời sống khác cũng được công ty cam kết giữ nguyên cho người lao động.

Để có được kết quả này, phòng nhân sự và ban giám đốc của công ty đã dốc sức làm công tác thuyết phục với người lao động lâu năm, vận động người có ý định xin nghỉ việc tiếp tục ở lại làm việc suốt thời gian dài vừa qua, chứ không phải đợi đến bây giờ mới bắt tay vào làm.

Tới đây, khó khăn của doanh nghiệp sẽ chưa dừng lại khi các lao động làm những phần việc đơn giản, thủ công ngày càng khó tìm, đẩy sự cạnh tranh tuyển dụng người làm giữa các doanh nghiệp thêm phần khốc liệt. Do đó nếu TP.HCM và các tỉnh không có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ trong việc tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu trở về TP làm việc, đơn giản bớt các thủ tục rắc rối phiền hà thì những tháng tới đây doanh nghiệp không biết phải xoay xở thế nào để khôi phục sản xuất.

Người dân phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM nhận hỗ trợ đợt 3 - Ảnh: DUYÊN PHAN

* Ông Hồ Quỳnh Hưng (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang):

Giữ chân lao động bằng việc làm

Chúng tôi vẫn cố gắng duy trì việc làm cho người lao động bằng cách vẫn tổ chức sản xuất, dù sản phẩm làm ra chưa tiêu thụ được nhiều, hàng tồn kho vẫn còn. Quá trình này được chúng tôi thực hiện trước cả khi thời điểm giãn cách siết chặt. Và lúc khó khăn nhất khi quyết định phương án "3 tại chỗ", công ty vẫn tiếp tục duy trì việc làm cho khoảng 400 lao động sản xuất như bình thường, chế độ lương vẫn giữ nguyên cùng các chính sách chăm lo về mặt tinh thần khác.

Hầu hết các doanh nghiệp đều đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua, người lao động một khi vẫn còn "chịu" ở lại đến giờ phút này phần lớn cũng đã rất cảm thông và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

* Bà Nguyễn Thị Thành (chủ nhà trọ tại huyện Hóc Môn):

Mong có hỗ trợ thêm mới trụ nổi

Ba tháng vừa rồi tôi đều giảm tiền phòng, tháng đầu 50%, tháng sau nữa 70%. Giảm vậy rồi nhưng nhiều người thuê ở đây cũng không đủ tiền nên họ đóng bao nhiêu tôi nhận bấy nhiêu.

Đợt hỗ trợ trước mỗi phòng được 1,5 triệu đồng mà không phải ai cũng được xét. Đợt này mỗi người 1 triệu đồng nhưng người ở trọ có con nhỏ thì ngoài tiền phòng, tiền điện, nước, ăn uống còn phải lo sữa, tã cho con nên vẫn còn thiếu thốn nhiều lắm.

Ở những chỗ không được bớt tiền trọ thì tiền hỗ trợ cũng chưa đủ tiền phòng trọ mấy tháng nên người dân phải về. Người đi ở trọ ít nhất phải khoảng 3 triệu đồng thì họ mới có thể tiếp tục ở lại được. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật