Yên Bái: Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tỉnh Yên Bái hiện có 872 người có uy tín trong đồng bào các dân tộc là các già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn, cán bộ nghỉ hưu, chức sắc tôn giáo, nhà giáo, thầy thuốc, nhân sĩ, người sản xuất kinh doanh giỏi, người có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của địa phương...
Yên Bái: Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân
Già làng, trưởng bản và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trạm Tấu tuyên truyền vận động bà con nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn hóa

Đây là lực lượng luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là địa chỉ tin cậy của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, Pháp Luật của Nhà nước.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tỉnh Yên Bái luôn quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng và thực hiện các nguồn lực, chương trình, dự án, trong đó chính sách đối với người có uy tín được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Người uy tín đã tích cực tham gia cùng với cấp ủy đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục và động viên con cháu, dòng họ, người dân sinh sống trên địa bàn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, Pháp Luật của Nhà nước; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; giữ vai trò nòng cốt trong tham gia ý kiến vào các bản quy ước, hương ước có nội dung liên quan đến phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống như: Không thách cưới, không lấy vợ lẽ, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, vận động con cháu không sinh con thứ 3, ăn ở hợp vệ sinh, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường; bài trừ hủ tục, đẩy lùi mê tín dị đoan, ốm đau đến cơ sở y tế khám và điều trị, không cúng bái, mê tín dị đoan.

Đặc biệt trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã tổ chức thành công việc “vận động đồng bào Mông đồng thuận ăn chung một tết Nguyên đán”, người Mông ở Yên Bái ăn tết Nguyên đán đã giảm thời gian ăn tết kéo dài hàng tháng như trước đây, con cái được học hành, công tác theo lịch chung, việc sản xuất, canh tác của nhân dân đảm bảo đúng thời vụ hơn, để vận động được nhân dân dồng thuận ăn chung một tết Nguyên đán có vai trò hết sức quan trọng của người có uy tín, già làng, trưởng bản ở địa phương.

Với tinh thần cần cù, sáng tạo, mong muốn cống hiến cho xã hội, nhiều người có uy tín là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, động viên con, cháu, vận động nhân dân trong thôn, bản tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xoá bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình điển hình, góp phần xoá đói giảm nghèo ở địa phương. Điển hình như ông Lý Nhà Chảo, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã lựa chọn các loại giống, cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế gia đình và nuôi ong lấy mật, trồng được 03 ha thảo quả, 02 ha sơn tra, hằng năm cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng; ông Triệu Tiến Bảo, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên với diện tích trồng quế trên 10ha, mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng…

Không chỉ giỏi làm ăn, phát triển kinh tế, người uy tín trong đồng bào các dân tộc còn là những tuyên truyền viên tích cực, vận động người thân, cộng đồng tham gia ủng hộ Quỹ vì người nghèo, các hoạt động từ thiện, nhân đạo vì cộng đồng, hiến hàng ngàn m2 đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi. Tiêu biểu như bà Hoàng Thị Thu Hiền, thôn Sài Lương, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên trong những năm qua cùng tập thể Ban công tác mặt trận và các thành viên, vận động nhân dân xây dựng nâng cấp nhà văn hóa diện tích 180 m2 trị giá 40 triệu đồng; hiến đất làm đường giao thông nông thôn được trên 3.500 m2 làm đường bê tông 2.000 m trị giá 400 triệu đồng; vận động nhân dân nuôi đàn trâu có 114 con, đàn bò 40 con, đàn lợn 1.600 con, gia cầm 11 triệu con, xây dựng 03 mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô trên 10 con; làm đường điện thắp sáng đường quê 40 bóng dài 1km trị giá 40 triệu đồng có trồng hoa ven đường; phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên mở 05 lớp học nghề tại thôn mỗi lớp 30 học viên; vận động nhân dân xây dựng quỹ từ thiện nhân đạo giúp đỡ hộ nghèo với số tiền trên 15 triệu đồng và 150 ngày công lao động; vận động quỹ người nghèo và các loại quỹ khác đạt trên 85 triệu đồng, phối hợp với thôn, xã xóa nhà dột nát cho 6 hộ nghèo và hộ gia đình chính sách….

Bên cạnh đó, nhiều người có uy tín đã phát huy vai trò trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các, dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống như: Lễ hội gầu tào của dân tộc Mông; lễ cấp sắc của dân tộc Dao; lễ hội rằm tháng giêng của dân tộc Thái, lễ xuống đồng của dân tộc Tày..., người có uy tín còn truyền dạy con, cháu và trong cộng đồng các nghề truyền thống như: Dệt lanh thổ cẩm, nghề rèn đúc; sưu tầm, truyền dạy tiếng nói, chữ viết các dân tộc, các làn điệu dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian như đánh yến, ném còn, đẩy gậy cho các thế hệ…

Trong các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, qua các cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc Hội, Hội đồng nhân dân các cấp, những người có uy tín đã có nhiều ý kiến đóng góp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đồng thời có nhiều đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Nhiều người là cán bộ hưu trí, là các già làng, trưởng bản, tuy tuổi cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, là hội viên mẫu mực của các tổ chức xã hội. Người có uy tín cùng với Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban công tác Mặt trận thực hiện tốt việc giám sát đối với hoạt động quản lý điều hành của chính quyền cơ sở, giám sát hoạt động của các chức danh do Hội đồng nhân dân cấp xã bầu, giúp đỡ cán bộ dân cử hoàn thành nhiệm vụ.

Trên lĩnh vực an ninh trật tự, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân các dân tộc, luôn phối hợp cùng lực lượng công an giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Nhiều người uy tín bằng kinh nghiệm của mình đã chủ động tham gia giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh ở cơ sở. Luôn phối hợp với chính quyền tuyên truyền vận động nhân dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, không di cư tự do, không tái trồng cây thuốc phi‌ện, không xuất cảnh trái phép..., cùng với các lực lượng công an, quân đội xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững bình yên nơi thôn (bản), tổ dân phố.

Với những kết quả đã đạt được, những người uy tín đã góp phần cùng với hệ thống chính trị tỉnh Yên Bái đạt được nhiều thành tựu trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành toàn diện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong những năm qua; đặc biệt, đã góp phần trực tiếp thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, diện mạo nông thôn thực sự khởi sắc và ngày càng phát triển.

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2021 các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác vận động nhân dân phòng chống Covid-19, góp phần thực hiện mục tiêu tiêm chủng đại trà vắc-xin cho cộng đồng. Phát huy tốt vai trò nòng cốt trong các tổ tự quản của nhân dân, tổ covid cộng đồng, xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ tự quản thực sự tiêu biểu ở thôn, tổ dân phố do Mặt trận Tổ quốc chủ trì. Qua đó khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực trong nhân dân để khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra quyết tâm xây dựng Yên Bái xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; xây dựng, phát triển con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái. Thực hiện mục tiêu xây dựng quê hương Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật