Cháu bé khóc nhiều chưa rõ nguyên nhân: Tìm thấy côn trùng trong chăn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cháu bé được đưa vào viện trong tình trạng khóc nhiều chưa rõ nguyên nhân, đến khi lật chăn quấn thì phát hiện có một con rết còn nằm im trong đó.
Cháu bé khóc nhiều chưa rõ nguyên nhân: Tìm thấy côn trùng trong chăn
bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ, nơi cấp cứu bé 13 tháng tuổi. (Ảnh: Báo Phú Thọ)

Infonet đưa tin cho biết, mới đây, bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ vừa tiếp nhận và cấp cứu cho em bé hơn 1 tuổi bị rết cắn. Đáng nói, thời điểm này, con rết vẫn đang nằm im trong bọc chăn quấn quanh bé.

Rết chui vào chăn cắn em bé

Cụ thể, vào nửa đêm ngày 26/10, em bé 13 tháng tuổi được bố mẹ đưa đến bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ trong tình trạng đau đớn, khóc liên tục, môi và các ngọn chi tím, da niêm mạc nhợt, trên cánh mũi có một vài vết xây xát nhẹ đối xứng. Tuy nhiên, bé không sốt và không có các dấu hiệu ngoại khoa. 

Trước các biểu hiện không rõ ràng này, bác sĩ liền đưa ra phỏng đoán rất có thể bé đã bị côn trùng cắn. Ngay lập tức, mọi người quyết định lật tung chăn, tã và quần áo để tìm kiếm điều bất thường. Và điều gây bất ngờ là trong tấm chăn quấn quanh em bé có một con rết vẫn đang trú ngụ. Ngoài ra, trên người bé, các bác sĩ cũng phát hiện thêm một số vết khác.


Con rết được tìm thấy trong chăn quấn bé. (Ảnh: Infonet)

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc rết chui vào chăn đốt bệnh nhi. Trước đó, VTV cho biết, tháng 4/2018, Khoa cấp cứu, bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đã tiếp nhận N.T.H.T. (11 tuổi, trú tại Bình Trị Đông A, Bình Tân, TP.HCM) bị rết cắn.

Gia đình T. cho biết, khi em đang ngủ thì có một con rết dài khoảng 30cm bò vào trong chăn, đốt vào vai phải của em. Lúc này, T. bị đau nên la lớn, người nhà vội vàng xử lý con rết rồi đưa em đến bệnh viện.

Sau khi được xử trí bằng thuốc giảm, sát trùng và chườm lạnh, đồng thời theo dõi các biến chứng có thể xảy ra, T. dần cải thiện. Một ngày sau, vết thương của em đã bớt sưng, đỡ đau, bệnh nhi tỉnh táo, ăn uống được.


Vết rết cắn trên vai T. (Ảnh: VTV)

Hay gần đây nhất là trường hợp bé T., 14 tuổi bị rết cắn vào ngày 23/1 vừa qua. Báo Báo viết, trong lúc dọn cỏ quanh nhà, T. bỗng thấy bàn tay đau nhói. Khi đưa tay lên thì thấy có một con rết lớn bằng ngón chân cái vẫn đang bám trên bàn tay. 

Vết cắn của rết có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

Về cơ chế hoạt động, được biết, khi rết cắn, cặp kìm rỗng ở đầu nó có vai trò như ống tiêm, truyền chất độc vào c‌ơ th‌ể người. Trong chất độc này có nhiều chất gây dị ứng, chống đông máu, co cơ trơn, gây hại cho tim, thần kinh,... Báo Báo thông tin, các chuyên gia gọi chất độc của rết là chất độc ma quái.

Nó làm cho người bị cắn cảm thấy đau đớn, tê chân tay, gây chậm nhịp tim, chóng mặt, rối loạn nhịp thở. Tại vị trí bị cắn, vết thương sẽ đỏ lên, sưng nề, ngứa, nặng hơn có thể chảy máu, sốc phản vệ.


Rết thường trú ngụ ở nơi ẩm thấp. (Ảnh: Sức Khỏe)

Thực tế, chất độc này không đủ khiến chúng ta gặp nguy hiểm, nhưng với một số người có cơ địa dị ứng, bị sốc phản vệ thì có thể dẫn đến biến chứng nặng hoặc không qua khỏi.

Để tránh rết trú ngụ trong nhà, mọi người nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không để môi trường sống ẩm thấp, thường xuyên vứt rác. Khi tiếp xúc với khu vực nhiều côn trùng cần đeo bao tay. Đặc biệt, chúng ta có thể phun thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng để ngăn rết sinh sôi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật