Thương 2 cụ tuổi 90 vẫn miệt mài ngồi đan cót lo từng bữa rau, bữa cháo cho con

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở độ tuổi 90 với đôi mắt đã kèm nhèm không nhìn rõ nhưng ngày qua ngày hai cụ vẫn cặm cụi đan cót để kiếm từng đồng bạc lẻ dành dụm cho con. Lết từng bước đi khó nhọc, cô Hậu quệt ngang hai hàng nước mắt đang chảy dài, thương bố mẹ đến thắt ruột nhưng cô phải ngậm ngùi, bất lực.
Thương 2 cụ tuổi 90 vẫn miệt mài ngồi đan cót lo từng bữa rau, bữa cháo cho con
Bị tàn tật từ nhỏ khiến cô Hậu không di chuyển được như mọi người.

Câu chuyện về hai cụ Vũ Quang Ba và cụ Bùi Thị Hỉ bao năm qua khiến người dân trong thôn Vũ Xá, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam vô cùng cảm động. Đã ở độ tuổi 90, mắt mờ, chân chậm nhưng ngày nào cụ cũng miệt mài đan cót bởi cụ sợ: “Sống chả được mấy nữa đâu cô ạ, tổ tiên gọi về lúc nào thì đi thôi. Chúng tôi mà đi hết rồi thì không có ai lo cho cái Hậu nên giờ làm được gì thì cố làm”.

Để có tiền lo bữa rau, bữa cháo cho con, hàng ngày cụ Hỉ vẫn ngồi đan cót.

Cụ tâm sự, bình thản, tự nhiên như một lẽ thường rồi lại cúi xuống đan. Đã ở cái tuổi gần đất xa trời, hơn ai hết cụ hiểu thời gian của mình không còn nhiều nữa nên ngày nào còn được sống là ngày đó cụ còn làm việc. Thu nhập từ việc đan cót chẳng đáng là bao nhưng ít nhiều cũng khiến cụ yên tâm bởi con gái còn đủ bữa rau, bữa cháo cho qua ngày.

Nói về nghề đan cót, cụ bảo thấm thoắt cũng đã vài chục năm làm rồi nên giờ dù có mắt đã mờ và chân tay không còn được nhanh nhẹn nhưng các động tác vẫn chính xác và đẹp mắt. Ngày nào cũng thế, cụ cứ ngồi đan từ sáng sớm cho đến tận tối mịt mới thôi, tính ra cũng được 30, 40 ngàn đồng.

Cụ bảo mỗi ngày ngồi đan miệt mài cũng được 30-40 ngàn đồng.

Cô Hậu nhiều lần muốn học mẹ đan nhưng không thành

Ngồi kế gần bên cụ Hỉ là cô Hậu, con gái cụ. Sinh ra không có được cho mình một hình hài lành lặn, đôi bàn chân cô teo tóp, oặt hẳn sang một bên nên việc đi lại phải dựa hoàn toàn vào 2 chiếc gậy đặt ở ngay đó. Gương mặt buồn cùng nỗi tủi thân, cứ ngày nào nhìn mẹ làm là cô cũng khóc bởi ở tuổi của bố mẹ đáng ra phải được nghỉ ngơi nhưng đằng này…

“Bố mẹ cứ lo sau khi qua đời, cô sẽ sống ra sao. Nhiều lần lắm cô cố học để đan cót như mẹ cô nhưng cô không ngồi được, chân không giữ được tấm phên cót nên không thể đan. Nhìn bố mẹ vất vả cô trách mình lắm, nhiều khi cô nghĩ nếu như mình chết đi rồi có lẽ bố mẹ chị sẽ đỡ vất vả hơn” – Cô Hậu tự trách bản thân mình, ngậm ngùi nói khi hai hàng nước mắt đã túa ra ướt nhèm hết cả.

Cô trách bản thân mình đã để cho bố mẹ phải khổ

Cụ Ba đã 90 tuổi lo lắng sau khi 2 cụ qua đời, con gái sẽ sống ra sao

Thương con gái, cụ Hỉ quay ra mắng luôn: “Đã bảo đừng nói thế nữa rồi. Không gì bằng được sống, cấm nói cái chết ở đây”. Nói đoạn cụ lại cúi xuống làm nhưng ở hai khóe mắt đã hoen đỏ tự lúc nào. Con sinh ra không có được hình hài lành lặn, cụ hiểu hơn ai hết nỗi khổ tâm và bất lực của con nên càng thương xót hơn.

Nhìn hai mẹ con đã ngồi đó tự lúc nào, cụ Ba lật đật với lấy chiếc gậy chống đi từ ngoài sân vào, vừa đi vừa giục “bà sắp cho tôi miếng khác tôi đan” nhưng cụ Hỉ ngăn lại. Cụ bảo: “Mấy hôm nay trời lạnh là chân ông ấy đau lắm rồi, ban ngày cứ ngồi miết rồi đêm có ngủ được đâu vì đau chân, đau lưng nữa, nên hôm nay ông cứ nghỉ ngồi đó”.

Ngồi nhìn mẹ đan, cô Hậu không cầm lòng được

Run run, cụ ngồi chống chắc cái gậy để không bị ngã, đôi mắt nhìn ra ngoài như để nghe ngóng thời tiết với lời than thở: “Rồi không biết còn sống được mấy mùa đông lạnh nữa đây?”. 90 tuổi rồi, cụ biết thời gian của mình không còn nhiều nên càng lo và thương cho con gái hơn.

Cuộc sống của gia đình cứ thế trôi qua trong sự thiếu thốn trăm bề. Lớn lên với một c‌ơ th‌ể không lành lặn, nỗi khổ tâm lớn nhất của cô Hậu là việc phải chứng kiến cảnh bố mẹ già vẫn ngày ngày lo bữa cơm, bữa cháo cho cô. Cô bảo giá mà có tiền, cô sẽ cố gắng nấu một bữa cơm thật ngon cho bố mẹ và mua cho 2 cụ những tấm áo ấm nữa bởi mùa đông về rồi, cả nhà còn lạnh và đói lắm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật