Khai thác tiềm năng sáng tạo từ nguồn lực văn hóa

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) là bước đi đầu tiên, song có ý nghĩa quan trọng với thành phố Hà Nội.
Khai thác tiềm năng sáng tạo từ nguồn lực văn hóa
Sản phẩm bánh trà Khuê Văn Các được giới thiệu tại Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021, là một trong những sản phẩm sáng tạo lấy cảm hứng từ tài nguyên di sản - nguồn lực văn hóa của Thủ đô.

Từ khởi đầu này, cùng sự quyết tâm của thành phố, sự tham gia tích cực, chủ động của các cấp, ngành và sự đồng lòng hưởng ứng của người dân là yếu tố quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng sáng tạo từ nguồn lực văn hóa, tiến tới mục tiêu đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.

Cơ hội và thách thức

Mang trên mình bề dày ngàn năm văn hiến, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng các tài nguyên văn hóa, từ hệ thống di sản dày đặc, kết cấu hạ tầng văn hóa phong phú, mạng lưới làng nghề thủ công trải khắp các phố phường, làng quê đến cộng đồng sáng tạo hấp dẫn, hội tụ đông đảo các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà đổi mới khoa học - công nghệ… của cả nước.

Việc thành phố Hà Nội ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO (tháng 10-2019) là bước đi quan trọng đầu tiên, nhằm nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn từ việc khai thác nguồn lực văn hóa cho thiết kế sáng tạo. Sau 2 năm tham gia, Hà Nội đã từng bước triển khai các giải pháp, nổi bật là Thành ủy vừa xem xét, thông qua Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong đó đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 42 nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Thành phố cũng đã tổ chức Cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội và nhiều hoạt động khác nhằm gắn kết cộng đồng, từng bước xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thành phố sáng tạo.

Theo Phó viện trưởng phụ trách viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương, các chủ trương, chính sách, hoạt động của Hà Nội đã tạo hướng đi, động lực để thành phố chuyển mình ở lĩnh vực thiết kế, góp phần tái sinh, đánh thức các nguồn tài nguyên văn hóa, tạo nên sự phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa. Thành phố Hà Nội cũng có những hành động phù hợp để khuyến khích phát triển các không gian sáng tạo nói riêng, ươm mầm sáng tạo nói chung.

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội còn chưa được như kỳ vọng. Môi trường thể chế dù đã có nhiều thay đổi, song vẫn chưa tạo được sự đột phá, có khả năng giải phóng sức sáng tạo, thúc đẩy đa dạng các biểu đạt văn hóa dựa trên sự kết nối nguồn tài nguyên văn hóa với khoa học - công nghệ. Hầu hết sản phẩm công nghiệp văn hóa của Hà Nội thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa.

Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân sáng tạo Lê Quốc Vinh cho rằng, thành phố chưa có những chính sách hiệu quả, đột phá để huy động nguồn đầu tư thúc đẩy công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo phát triển.

“Thủ đô phải có Trung tâm sáng tạo, chúng tôi đã đề xuất nhưng vẫn chưa được xây dựng. Thực tế cũng không có Thành phố sáng tạo nào không có megashow, nhưng Hà Nội vẫn đang thiếu. Chưa kể, hầu hết người dân thành phố còn mơ hồ với khái niệm Thành phố sáng tạo…”, ông Lê Quốc Vinh trăn trở.

Cần quyết liệt thực hiện cam kết

Theo kế hoạch, chỉ còn 2 năm nữa, Hà Nội sẽ phải hoàn thành cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, song đến nay, nhiều nội dung vẫn chưa được triển khai, như: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; Tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo, diễn đàn mạng lưới Thành phố sáng tạo Đông Nam Á, mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ…

Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Việt Nam Đặng Văn Bài cho rằng, thành phố cần khẩn trương thực hiện các cam kết để hoàn thành đúng hạn. “Hợp tác công - tư là một giải pháp để thúc đẩy công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, khoa học - công nghệ cho các ngành văn hóa sáng tạo; kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong sản phẩm công nghiệp văn hóa; có cơ chế tài chính thu hút vốn cho công nghiệp văn hóa...”, ông Đặng Văn Bài nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà báo, chuyên gia về không gian sáng tạo Trương Uyên Ly cho hay, không gian sáng tạo là hệ sinh thái thu nhỏ, thể hiện toàn bộ hoạt động nền kinh tế sáng tạo. Thành phố Hà Nội cần có những chính sách thật thiết thực để hỗ trợ mạng lưới các không gian sáng tạo hoạt động sôi nổi và phát triển.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa cho biết, thành phố còn nhiều phần việc phải triển khai để hoàn thành cam kết với  UNESCO.

“Chặng đường phía trước đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của thành phố, từ các cấp, các ngành đến địa phương, đặc biệt là vai trò của mỗi người dân Thủ đô. Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của các bên liên quan để hiện thực hóa tầm nhìn, vì các mục tiêu phát triển bền vững”, bà Phạm Thị Mỹ Hoa bày tỏ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật