Người chăm sóc hơn 1.000 chim bồ câu bên Biển Đông

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày mưa bão, ông Lê Minh Hải từ trong phố đi ngược ra phía công viên Biển Đông, trèo lên các chuồng chim bồ câu chằng buộc cho chắc chắn.
Người chăm sóc hơn 1.000 chim bồ câu bên Biển Đông
Ông Lê Minh Hải cho đàn chim bồ câu ăn ở Công viên Biển Đông. Ảnh: Nguyễn Đông

Chỉ khi lũ chim an toàn, ông mới yên tâm tìm chỗ trú bão cho mình. Nhưng rồi cũng có những chuồng chim bị hư hại và nhiều con bị gió bão thổi mất tích, ông Hải lại bần thần thương xót. 11 năm nay, người đàn ông 55 tuổi, nước da bánh mật, dáng thấp nhỏ, đã coi đàn chim như người thân của mình.

Xem Video: Một buổi cho chim ăn của ông Lê Minh Hải

Đều đặn 6h mỗi ngày, ông Hải chạy xe máy 10 km từ nhà ở quận Liên Chiểu sang công viên Biển Đông cuối đường Phạm Văn Đồng giao Võ Nguyên Giáp ở quận Sơn Trà. Công việc đầu tiên là kiểm tra xem đàn chim bồ câu có bị trộm, động vật khác tấn công, hay con nào bị đau ốm để cứu chữa.

Đúng 7h30, ông xách xô thức ăn gồm thóc, bắp và đậu xanh trộn lẫn ra khoảng công viên trước biển, thổi vài hồi còi. Nghe tiếng "tuýt, tuýt" quen thuộc, lũ chim bay tới che kín một khoảng trời rồi đổ ào xuống nền gạch, thi nhau ăn.

"Bữa ăn của chúng phải luôn đúng giờ để thành thói quen và tốt cho sức khỏe", ông Hải giải thích. Tranh thủ lúc chim ăn, người đàn ông nước da bánh mật, dáng thấp nhỏ, đếm đủ 1.070 con mới yên tâm "không mất con nào".

Nhiều đôi trẻ tận dụng khoảng thời gian chim ăn để chụp ảnh. Ông Hải nhiệt tình hỗ trợ bằng việc cho chim ăn thành nhiều đợt hoặc rải thức ăn ở nơi có khung cảnh đẹp. Có thợ chụp ảnh đến muộn, lén lấy thức ăn mang theo dụ đàn chim bay xuống thêm lần nữa, ông Hải nghiêm khắc nhắc nhở.

Thông thường ông Hải sẽ mua phần ăn sáng tại chỗ và ngồi uống cà phê bên cạnh vườn chim để coi sóc; pha thuốc phòng bệnh và vitamin C vào hai chiếc chum cho chim uống; gần trưa thì đổ nước vào hai chiếc bể ở khoảng vườn phía dưới chuồng để chim tắm gội...

Đúng 16h30, tiếng "tuýt, tuýt" vang lên lần nữa. Vài người đến mượn chiếc còi sắt từ ông Hải, nhưng thổi hàng chục tiếng cũng chỉ có vài con chim bay đến. "Đàn chim đã quen với tiếng còi của tôi rồi", ông Hải nói, chia sẻ đã tạo tín hiệu với đàn chim bằng việc thổi một hồi còi dài, sau đó ngắt nhịp dần.

Những dịp lễ, Tết ông Hải không dám nghỉ, vì nghe tiếng còi lạ, chim không chịu xuống ăn, bị đói. Mùng 1 Tết Nguyên đán, ông Hải có mặt ở vườn chim lúc 6h, cho chúng ăn sớm hơn chút, 8h chạy xe 40 km về quê ở Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, thăm gia đình nội, ngoại rồi chiều muộn lại có mặt ở công viên Biển Đông. Đến khi đàn chim ùa về tổ, ông mới về nhà.

Ông Hải thau lại bể cho chim uống nước mỗi ngày. Ảnh: Nguyễn Đông

Vườn chim hòa bình ở công viên biển Đông hình thành từ năm 2009, khi Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng xin UBND thành phố cho đầu tư để tạo điểm nhấn với du khách như một số quảng trường ở châu Âu. Ban Quản lý đầu tư 30 triệu đồng xây 5 trụ bê tông, phía trên đặt chuồng gỗ; mua 200 bồ câu giống, trong đó có cả bồ câu lai Pháp, nhưng sau chỉ bồ câu ta mới thích nghi được với nắng nóng và gió biển. Chúng sau đó sinh sôi, lúc nhiều nhất 1.500 con, trong đó hơn 800 chim trống.

Năm 2010, ông Hải nghỉ việc ở Chi cục Thú y Đà Nẵng, được người quen giới thiệu về Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch. Nhờ có chuyên môn trung cấp chăn nuôi và bác sĩ thú y (hệ đại học tại chức tại Quảng Nam), ông nhận chăm sóc đàn chim bồ câu, lương tháng hơn 6 triệu đồng. "Học ở trường chủ yếu là các bệnh, không phải về chăm sóc chim. Tôi phải nghiên cứu về tập tính của loài, các bệnh thường gặp để chữa...", ông nhớ lại.

Bồ câu có khả năng ghi nhớ đường đi rất tốt, từng được dùng đưa thư. Ông Hải ba lần thử bằng việc bắt 5-10 con, cột vải màu vào chân làm dấu hiệu nhận biết, đưa lên chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà cách công viên chừng 8 km để thả. Chạy xe máy về đến chuồng chim, ông đã thấy chúng bay về. "Riêng chim bị gió bão thổi đi, nếu có người cho ăn chúng sẽ ở lại. Rất nhiều đàn chim trong phố là chim từ vườn chim công viên Biển Đông dạt vào", ông Hải nói.

5 chuồng bồ câu mới được sửa sang để đàn chim có chỗ ở an toàn hơn. Ảnh: Nguyễn Đông

Gắn bó với đàn chim cả ngày, ông Hải bắt bệnh của chúng rất nhanh thông qua quan sát dáng đi, tiếng kêu, màu phân... Thấy con cổ to bất thường, ông biết ngay bị bội thực. Chim ăn quá nhiều bánh mì do một số người đến vui chơi, chụp ảnh đã ném cho chúng. Ông lập tức dùng dụng cụ chích vết nhỏ trên diều, nặn thức ăn ra, sát trùng, rắc kháng sinh và khâu lại.

Chim không may bị gãy chân, gãy cánh do xe tông, ông Hải đều đưa về khu vườn, dùng các thanh gỗ nhỏ bằng que kem để cố định đoạn xương gãy, nhốt chim ra lồng riêng chăm sóc đến lúc chúng khỏe lại mới thả về đàn. Khó nhất, theo ông, là mỗi khi chim mắc bệnh đậu mùa vì hiện không có thuốc đặc trị.

Hè năm 2012, ông phát hiện trên chuồng có tiếng chim non kêu yếu ớt, khi trèo lên thì thấy con chim ra ràng nhưng bị kẹt lại cạnh chuồng, gãy cánh phải và hai chân. "Tôi phải nẹp cố định đoạn xương gãy, bôi kháng sinh. Chim non cũng không thể tự ăn uống nên mình phải nhai gạo đút cho ăn, sau một tháng thì bình phục", ông kể. Chú chim không bay được xa nhưng lại rất dạn dĩ.

Để tạo thêm điểm nhấn ở công viên, năm 2013-2014 ông Hải kẻ ô, vãi thức ăn và huấn luyện thổi còi cho đàn chim xuống ăn một lần để tạo hình bản đồ, ngôi sao... khiến người xem thích thú. Nhưng do đàn chim biến động, nhát vì mỗi lần xuống ăn đều có người đến gần, việc huấn luyện sau đó bị đứt quãng.

Rất nhiều đôi uyên ương đến chụp ảnh với chim bồ câu ở công viên Biển Đông. Ảnh: Nguyễn Quang

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quang (trú quận Sơn Trà), người chụp hàng trăm bộ ảnh cho các đôi uyên ương với chim bồ câu ở công viên Biển Đông, nói nơi đây là địa điểm thú vị vì bồ câu mang biểu tượng của hòa bình, tình yêu, hạnh phúc và khách từ phương xa đến Đà Nẵng đều muốn chụp ảnh với chim bồ câu.

"Những bức ảnh đã theo chân du khách đi khắp mọi nơi, từ Việt Nam cho đến Mỹ, Pháp..., là cách Đà Nẵng quảng bá thêm về điểm đến của mình, trong đó có câu chuyện về anh Lê Minh Hải cần mẫn chăm sóc đàn chim, nhiệt tình với du khách. Rất nhiều khách của tôi khi quay trở lại Việt Nam đều nhắc đến anh Hải như một kỷ niệm đẹp", anh Quang nói.

Nhật xét về nhân viên của mình, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, nói ông Hải chịu khó, có trách nhiệm và "giao cho anh ấy quản lý, chăm sóc đàn chim chúng tôi rất an tâm". Thời gian tới, Ban Quản lý sẽ thay đổi một số chim trống trong đàn để tránh tình trạng chim cận huyết sẽ yếu, dễ mắc bệnh.

Vợ ông Hải là giáo viên nghỉ hưu, hai con gái sau khi tốt nghiệp đại học đều có việc làm ổn định ở bệnh viện và công ty phần mềm. Khi hỏi có ý định nghỉ công việc hiện tại để vui tuổi già, ông Hải lắc đầu bảo "sao có thể bỏ người thân của mình được".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật