Thí sinh cần chuẩn bị tốt tâm lý trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày mai 7-7, gần 31,6 ngàn thí sinh lớp 12 của Đồng Nai sẽ cùng với thí sinh cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Dù đã nỗ lực chạy đua với thời gian, tập trung ôn tập nhưng đứng trước kỳ thi quan trọng này, các thí sinh vẫn không khỏi hồi hộp, lo lắng.
Thí sinh cần chuẩn bị tốt tâm lý trước kỳ thi tốt nghiệp THPT
Học sinh lớp 12 Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai trong giờ ôn thi. Ảnh: H.YẾN

Giữ tâm trạng bình tĩnh, không tạo áp lực tâm lý và chuẩn bị nền tảng sức khỏe tốt là điều mà thí sinh nên có để bước vào kỳ thi với tâm thế tốt nhất.

* Hồi hộp trước ngày thi

Em Phạm Hồ Đoan Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Trường Toản (H.Cẩm Mỹ) có học lực giỏi. Năm nay, ngoài thi tốt nghiệp THPT, em chọn điểm tổ hợp môn khối D01 (Toán - Văn - Anh) để xét tuyển vào ngành marketing. Trang đi ôn thi ở nhà giáo viên đến tận ngày 5-7. Kết thúc ngày học cuối cùng, Trang cho biết, em vẫn tiếp tục ôn bài chứ không nghỉ. Đến tối 6-7, em sẽ đi ngủ sớm hơn để có được giấc ngủ thật ngon trước ngày thi. Kế hoạch là vậy, nhưng Trang sợ rằng vì khá hồi hộp nên không biết liệu em có ngủ ngon giấc được hay không.

Chiều nay 6-7, thí sinh đến điểm thi làm thủ tục dự thi

Chiều nay 6-7, hơn 31 ngàn thí sinh của Đồng Nai sẽ đến các điểm thi để tập trung làm thủ tục dự thi, đính chính thông tin sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi. Ngày mai 7-7, buổi sáng thí sinh thi môn Ngữ văn (120 phút), buổi chiều thi môn Toán (90 phút). Ngày 8-7, buổi sáng thí sinh thi bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội (tổng thời gian làm bài 150 phút), buổi chiều thi môn Ngoại ngữ (60 phút).

“Những ngày này, em thường ôn bài đến 1 giờ sáng rồi mới đi ngủ, đến hơn 6 giờ sáng thì thức dậy. Thức khuya lâu đã thành thói quen nên em không cảm thấy mệt mỏi. Trong quá trình ôn thi, thầy cô cũng đã dặn dò kỹ lưỡng cách làm bài thi, nhưng nghĩ đến kỳ thi, em vẫn thấy hồi hộp và lo lắng” - Trang nói.

Tâm trạng của Trang cũng là tâm trạng chung của đa phần sĩ tử trước khi bước vào kỳ thi quan trọng này. Tuy nhiên, theo lời khuyên của thầy Hoàng Văn Tâm, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa), những ngày này, thí sinh không nên thức khuya để ôn bài, vì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, kéo theo ảnh hưởng không tốt trong những ngày tham gia kỳ thi. Mặt khác, việc thức khuya cũng không mang lại hiệu quả cao trong quá trình ôn thi.

Về nguyên tắc làm bài thi, các giáo viên đều đã dặn dò kỹ thí sinh. Theo đó, với hình thức thi trắc nghiệm, thí sinh phải làm đầy đủ tất cả các câu của đề thi, câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau, những câu không làm được vẫn phải điền vào ở những phút cuối của môn thi để hy vọng không mất điểm.

* Cần chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý

Là chuyên gia tâm lý thường xuyên tiếp xúc, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT, ThS Chế Dạ Thảo, giảng viên Trường đại học Công nghệ TP.HCM, rất thấu hiểu tâm trạng của các thí sinh trước “giờ G”. Theo ThS Thảo, để có được sức khỏe tinh thần thoải mái, bình tĩnh, bớt căng thẳng thì trước hết, thí sinh cần có sức khỏe c‌ơ th‌ể tốt. Vì vậy, thí sinh cần phải thiết lập chặt chẽ chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý.

“Các em cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo nguồn năng lượng, ngủ đúng giờ, đủ giấc và ngủ sâu. Muốn vậy thì các em cần thiết lập thời gian biểu hợp lý, đúng thời gian mà c‌ơ th‌ể cần tái tạo năng lượng. Hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ hoặc lướt mạng xã hội ít nhất 30 phút trước khi ngủ, vận động nhẹ nhàng…” - ThS Thảo cho hay.

Ngoài ra, muốn có tinh thần tốt thì thí sinh cần lưu tâm về bầu không khí tâm lý. Chuyên gia tâm lý Dạ Thảo chia sẻ: “Các em hãy gặp gỡ và trò chuyện với những người làm cho các em cảm thấy vui vẻ, tích cực để động viên nhau. Các em có thể thỏa thuận cùng với cha mẹ rằng trong thời gian này cần hạn chế tranh cãi, tránh những áp lực, những lời hỏi thăm làm các em thêm căng thẳng”.

Khi vào phòng thi, trước khi phát đề thi, thí sinh nên cười với người xung quanh để tạo tâm lý thoải mái trước khi thi. Khi thi xong nên hạn chế xem đáp án của bài thi trước để tránh lo lắng, tiếc nuối vì đã làm sai ở một số câu nào đó. Điều này sẽ làm các em mất tinh thần, có thể ảnh hưởng không tốt đến bài thi sau.

Đối với những thí sinh xét tuyển đại học, lời khuyên của chuyên gia là nên lựa chọn nguyện vọng an toàn, đăng ký xét tuyển theo nhiều phương thức khác nhau (như: thi tốt nghiệp, học bạ, điểm thi đánh giá năng lực…) để dự phòng và tăng nhiều cơ hội trúng tuyển. Đây cũng là cách để thí sinh yên tâm, tạo tâm lý thoải mái trước khi bước vào kỳ thi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật