Cảnh báo “tiền mất tật mang” từ chiêu trò “việc nhẹ lương cao”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ vì tin vào lời dụ dỗ, lôi kéo “sang Campuchia làm việc nhàn nhã lại có thu nhập cao” của các đối tượng xấu mà 7 thanh niên thuộc hộ nghèo ở làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã bỏ lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ để “xuất ngoại”.
Cảnh báo “tiền mất tật mang” từ chiêu trò “việc nhẹ lương cao”
Đối tượng Trần Quang Quyết (ngồi giữa bên trái) khai báo với cơ quan điều tra BĐBP. Ảnh: Thái Kim Nga

Họ không hề biết rằng, ngay khi rời làng đã có “chiếc thòng lọng” chực chờ quàng lên cổ mình gây nên mối hiểm họa cho gia đình và người thân. Sau gần nửa tháng “thử việc” nơi đất khách, nhóm thanh niên phải gọi điện thoại về gia đình xin tiền chuộc để được… hồi hương.

Sập bẫy lừa đảo

Nằm trên địa bàn biên giới thuộc huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, xã Ia O là địa phương thuần nông, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số Jrai có đời sống kinh tế chậm phát triển. Quanh năm suốt tháng, nguồn sống của bà con chủ yếu trông chờ vào củ mỳ, cây lúa và nhận làm khoán chăm sóc, khai thác cao su từ các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn.

Ở các thôn làng đông bào dân tộc thiểu số, thanh niên đa số cũng chỉ tốt nghiệp đến bậc trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, nghề nghiệp không ổn định. Và đây chính là nguyên nhân để các đối tượng tội phạm lợi dụng lừa đảo với chiêu trò “việc nhẹ lương cao”.

Khoảng đầu tháng 6/2022, thanh niên trong làng Kloong bàn tán xôn xao trước thông tin ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương đang tuyển người vào làm việc mà không cần bằng cấp, chỉ biết đánh máy vi tính sẽ nhận được mức lương từ 18-20 triệu đồng. Đối với những chàng trai trẻ "chân lấm, tay bùn", quanh năm bầu bạn với nương rẫy, thông tin này quả thực rất “hot” và sẵn sàng xa xứ để lập nghiệp.

Trong số đó có nhóm thanh niên 7 người, thuộc 6 gia đình trú cùng làng Kloong đã lẳng lặng thuê một chiếc taxi bí mật rời làng đi trong đêm. Nhiều người còn không kịp chào từ biệt mẹ già, vợ trẻ (đang mang thai) và con thơ...

Gần nửa tháng nay, kể từ khi anh C. (xin được giấu tên) âm thầm bỏ làng ra đi, bà K.B. (mẹ của C. ở làng Kloong, xã Ia O) không có đêm nào ngủ được. Từ sáng đến tối, bà K.B. chỉ ngồi trước cửa nhà nhìn ra chờ tin tốt lành từ cậu con trai. Tuy nhiên, điều tốt lành không đến mà đổi lại là nỗi lo lắng của người mẹ ngày càng trở nên “dày” hơn khi gần đây, C. liên tục gọi điện thoại về cầu xin mẹ vay mượn tiền để “đóng cho người ta”.

"Đầu tháng 6, thằng C. nghe mấy đứa trong làng rủ vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc với mức lương 18 triệu đồng/tháng. Mình thấy cũng lạ vì đi làm mà không cần giấy tờ, đi lại lén lút không cho ai biết. Lúc đó, mình đã can ngăn, khuyên nó ở nhà chịu khó làm thuê, làm mướn và chăm lo nương rẫy nhưng nó vẫn không chịu nghe theo. Đêm 10/6, chúng nó rủ nhau đi thì chỉ ít ngày sau thằng C. gọi điện về báo là bị lừa đưa sang Campuchia bị người ta bỏ đói, hành hung. Nó nói giờ muốn trở về thì gia đình phải gửi sang 150 triệu đồng để đóng cho người ta. Gia đình mình quanh năm sống nhờ mấy sào ruộng rẫy thì làm sao có tiền để đóng cho họ. Mình mong muốn chính quyền, công an giúp đỡ, sớm đưa thằng C. về lại với buôn làng"- Bà K.B. vừa kể vừa đưa tay gạt nước mắt.

tai họa thậm chí còn lớn hơn dành cho gia đình bà K.P. (ngụ cùng làng Kloong) khi cùng một lúc 2 người con trai tên là T. (sinh năm 1994) và Đ. (1998) bị sập bẫy lừa đảo. Điều đáng nói là cả hai anh em đều “nhắm mắt” bỏ lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ để dấn thân vào “cuộc phiêu lưu không hẹn ngày về”, trong đó cậu em Đ. mới lập gia đình được 2 năm và người vợ thì đang mang thai 5 tháng. Gia cảnh của 2 anh em T. và Đ. vô cùng khó khăn khi cả 3 thế hệ đang sống chung trong một căn nhà gỗ rách nát, xiêu vẹo, quanh năm suốt tháng, hai anh em “đầu tắt mặt tối” mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.

Tay ôm bụng bầu, chị Siu N. (vợ của Đ.) nói trong nước mắt: "Anh ấy đi cũng không nói rõ cho gia đình biết mà chỉ qua loa là muốn vào thành phố Hồ Chí Minh để làm việc gì đó với mức lương cao. Tối hôm đó cùng với nhóm thanh niên trong làng, anh Đ. lẳng lặng ra đi, mặc cho tôi hết lời can ngăn vì đứa con đầu lòng cũng sắp chào đời...”

Tuy nhiên, khi Đ. và anh trai vừa rời làng ra đi thì họa cũng đã ập đến. Ít ngày sau Đ. gọi điện thoại về cho vợ bảo phải vay mượn đâu đó khoảng gần 100 triệu đồng gửi sang để “đóng cho người ta” thì mới có cơ hội quay về đoàn tụ với gia đình. Số tiền này, theo Đ. cho biết được chia làm hai khoản bao gồm 80 triệu đồng tiền đền bù hợp đồng và 10 triệu đồng chi phí đi đường. Nếu gia đình không chuyển đủ số tiền đó thì Đ. sẽ bị đưa đi nơi khác và không còn cơ hội gặp lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ. Với hoàn cảnh gia đình hiện tại hoàn toàn trông chờ vào việc Đ. đi rẫy kiếm ăn từng ngày thì số tiền nói trên là “ngọn núi cao” mà người vợ trẻ Siu N. không bao giờ vượt qua được.

Tập trung giải cứu các nạn nhân

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các cơ quan chức năng liên tục nhận được trình báo về thanh niên ở nhiều huyện, xã vì tin lời người lạ trên mạng xã hội mà đi làm "việc nhẹ lương cao". Sau một thời gian do không chịu được công việc nặng nhọc và đối xử tàn bọ của các đối tượng lừa đảo, nhiều người đã phải gọi điện về gia đình yêu cầu gửi một số tiền lớn vì “vi phạm hợp đồng” (?).

Trao đổi với các cơ quan thông tấn báo chí, Trung tá Đinh Văn Sơn, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết: Chỉ chưa đầy 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận khoảng 43 thông tin trình báo bị lừa đảo qua mạng với tổng số tiền lên tới trên 26 tỷ đồng. thủ đoạn lừa đảo không mới so với trước đây, đa số là dùng các chiêu bài như tuyển cộng tác viên bán hàng, mời đầu tư tiền ảo, giả danh cán bộ thông báo án phạt...

Gần đây, cơ quan chức năng cũng nhận được nhiều thông tin về thủ đoạn lừa đảo mới là đưa sang Campuchia làm việc với mức lương hàng tháng từ 800 đến 1.000 USD. Theo thông tin trình báo của một số nạn nhân, khi sang Campuchia, họ bị các đối tượng đưa vào sống trong các chung cư do người nước ngoài quản lý. Công việc hàng ngày là qua mạng xã hội gọi điện về Việt Nam lôi kéo người lao động bằng các hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng, kêu gọi đầu tư… Nếu không đạt “chỉ tiêu được giao” lập tức các nạn nhân sẽ bị phạt ít nhất 1.000 USD, bị đánh đập, bỏ đói rồi sau đó buộc phải gọi điện cho người nhà đòi tiền chuộc. Họ chỉ được thả khi gia đình nộp đủ số tiền để thế thân.

Cán bộ BĐBP Gia Lai phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tới động viên gia đình nạn nhân tại làng Kloong. Ảnh: Thái Kim Nga

Trở lại số phận của 7 thanh niên ở làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) bị các đối tượng lừa đảo đưa sang Campuchia. Rất nhanh chóng, ngay sau khi sự việc xảy ra, Cục Phòng chống m‌a tú‌y và tội phạm BĐBP và Bộ chỉ huy BĐBP Gia Lai đã khoanh vùng điều tra, xác định được các đối tượng liên quan trong đường dây lừa đảo đưa người xuất cảnh trái phép.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng BĐBP đã xác định được đối tượng tên là Trần Quang Quyết (trú tại thôn 7, xã Ia Đal, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum) có liên quan trực tiếp đến 7 thanh niên bị lừa ở làng Kloong và vận động đối tượng này ra đầu thú. Từ lời khai của Quyết, lực lượng BĐBP đã nhanh chóng xác định được địa điểm mà 7 thanh niên làng Kloong đang bị quản thúc bên đất Campuchia.

Thông qua công tác đối ngoại, lực lượng BĐBP phối hợp với các cơ quan chức năng nước bạn và các tổ chức phi chính phủ đưa 2 nạn nhân là Kpui T. và Kpui P. cùng trú tại làng Kloong, xã Ia O trở về nước an toàn. Số nạn nhân còn lại hiện đã được đưa ra khỏi casino (sòng bài) và đang hoàn thiện các thủ tục để sớm đưa họ về nước.

Trao đối với chúng tôi, Đại tá Trần Thanh Bình, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai cho biết: “Vụ việc 7 thanh niên làng Kloong bị lừa đảo đưa sang Campuchia làm việc với chiêu trò “việc nhẹ lương cao” nhưng thực chất đó là hành vi đưa người xuất cảnh trái phép sau đó ép buộc các nạn nhân gọi điện về cho gia đình để tống tiền. Đây là đường dây tội phạm có tổ chức liên quan đến nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Gia Lai và đang nằm trong chuyên án điều tra của Cục Phòng, chống m‌a tú‌y và tội phạm BĐBP. Chính vì vậy, cùng với BĐBP các tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia, chúng tôi một mặt tập trung điều tra xác minh, xử lý các đối tượng cầm đầu, mặt khác phối hợp với cơ quan chức năng nước bạn và các tổ chức phi chính phủ để giải cứu các nạn nhân, tổ chức rà soát, cảnh báo, tuyên truyền bà con nhân dân trên khu vực biên giới nêu cao tinh thần cảnh giác để không bị sập bẫy lừa đảo của bọn tội phạm…”

Từ lời khai của đối tượng và hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan, BĐBP Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố đối tượng Trần Quang Quyết về hành vi phạm tội “Mua bán người”, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và nước bạn Campuchia nhanh chóng giải cứu số nạn nhân còn lại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật