Vun đắp móng nền bóng đá nữ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
’Chúng tôi không muốn đơn độc khi đồng hành với bóng đá nữ Việt Nam’, câu nói của một lãnh đạo đơn vị tài trợ Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2022 khiến nhiều người trăn trở.
Vun đắp móng nền bóng đá nữ
Ảnh minh họa

Bao năm qua, các giải bóng đá nữ Việt Nam vẫn chưa được xã hội quan tâm đúng mức, các câu lạc bộ (CLB) bóng đá nữ chưa trở thành những điểm đến hấp dẫn để thu hút tài năng và các nhà tài trợ.

Vậy nguyên nhân đến từ đâu? Đầu tiên là bài toán lợi ích. Có thể thấy, bóng đá nam kêu gọi được nhiều tài trợ bởi hình ảnh của các cầu thủ sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp thông qua hoạt động quảng cáo, làm đại diện thương hiệu, hoạt động giao lưu với người hâm mộ... Trong khi đó, tài trợ cho bóng đá nữ vẫn còn khiêm tốn. Thậm chí, trước mỗi giải bóng đá nữ, những nhà làm chuyên môn lại tích cực vận động để nhà tài trợ không bỏ giải, và rằng xin cho các cầu thủ được bao nhiêu thì quý bấy nhiêu.

Lâu nay, bóng đá nữ Việt Nam luôn gắn với hình ảnh “con nhà nghèo” vượt khó, cầu thủ đá bóng để thoát nghèo, để có tiền trang trải cuộc sống... Vậy tài năng nữ thuộc gia đình khá giả có theo bóng đá không? Câu trả lời là có nhưng rất ít. Nhiều huấn luyện viên đã từng than rằng, trong quá trình tuyển chọn họ tìm được nhiều tài năng triển vọng nhưng không sao thuyết phục được gia đình các em. Tâm lý xã hội vẫn chưa coi trọng chuyện phận nữ theo nghiệp quần đùi áo số, chưa xem bóng đá nữ là một nghề. Trên thực tế, với mức thu nhập bèo bọt, cầu thủ luôn phải dãi nắng dầm mưa, đối mặt với chấn thương thì rất nhiều tài năng trẻ của bóng đá nữ không dám theo nghề là sự thật. Đau lòng hơn, nhiều người đã theo nghiệp rồi nhưng vì khó khăn quá cũng phải bỏ giữa chừng.

Thật đáng suy ngẫm khi Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2022 không có sự góp mặt của một cái tên quen thuộc là CLB Sơn La và việc CLB Phong Phú Hà Nam II xin rút lui phút chót là minh chứng cho những khó khăn đang hiển hiện của bóng đá nữ.

Ít năm gần đây, bóng đá nữ Việt Nam đã bước đầu được xã hội quan tâm, nhưng mới chỉ dừng ở góc độ đội tuyển quốc gia. Chúng ta đã từng chứng kiến những khán đài chật kín người hâm mộ trong hành trình đội tuyển nữ Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games 31. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tất cả đều trở lại bình thường. Các cầu thủ nữ trở về CLB với mức lương thấp, đá giải vô địch quốc gia hay cúp quốc gia trên những sân vận động vắng tanh. Hiện nay, các giải bóng đá nữ Việt Nam thuộc hệ thống ngoài chuyên nghiệp, nghĩa là hầu hết các CLB hoạt động theo ngân sách địa phương. Một cầu thủ đội 1 được hưởng 180.000 đồng/người/ngày; với lứa cầu thủ năng khiếu chỉ là 55.000 đồng/người/ngày theo quy định. Nếu không có thưởng đột xuất thì với mức thu nhập đó, rất khó để chúng ta có thể đòi hỏi những cầu thủ nữ phải tập trung tối đa cho chuyên môn. Bởi vậy mới có chuyện, nhiều tuyển thủ quốc gia phải tranh thủ bán hàng trực tuyến, nhận chia sẻ kiến thức bóng đá để kiếm "đồng ra đồng vào".

Tương lai bóng đá nữ Việt Nam sẽ đi về đâu nếu như không có sự chung tay vun đắp móng nền vững chắc để có thể tiến xa. Cấp CLB làm sao có thể cung cấp những cầu thủ giỏi nhất cho đội tuyển quốc gia khi lúc nào các cầu thủ cũng chật vật với cơm áo hằng ngày; khi đào tạo trẻ vì thiếu kinh phí mà bị bỏ ngỏ. Mà muốn đào tạo trẻ được quan tâm thì các CLB cần có những chế độ đặc thù để thu hút tài năng; có những chính sách ưu tiên các cầu thủ đạt thành tích thi đấu cao... Rất khó để đòi hỏi bóng đá nữ được quan tâm như bóng đá nam, nhưng mong rằng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp trong xã hội chung tay góp sức để phát triển bóng đá nữ. Hệ thống các giải trẻ của bóng đá nữ cần được mở rộng để thu hút và đào tạo những tài năng từ khi còn nhỏ.

Thật mừng khi trong thời gian qua, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã tiến hành tập trung đội tuyển U.14, U.15 và U.16 quốc gia; đầu tư chuyên gia người nước ngoài, hệ thống huấn luyện bài bản cùng U.18 nữ Việt Nam thi đấu tại Giải vô địch bóng đá nữ U.18 Đông Nam Á 2022. Trong tương lai, việc đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia các giải U.14 nữ quốc gia và xa hơn là U.11, U.9 cần được tính toán và có lộ trình phát triển bài bản.

Vun đắp móng nền cho bóng đá nữ không chỉ là trách nhiệm của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, của các tổ chức doanh nghiệp trong xã hội mà còn từ chính gia đình và bản thân các tài năng trẻ. Chỉ có thay đổi quan niệm lạc hậu, hiểu được tầm quan trọng, vai trò của bóng đá nữ trong sự phát triển của thể thao Việt Nam và góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam thì môn thể thao này mới có bước đà vững chắc để phát triển.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật