Thí sinh hoang mang vì loạn thông tin “những ngành học dễ thất nghiệp”, các trường nói gì?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước thông tin những ngành học bị gắn mác “thất nghiệp“ được điểm danh, các trường học đã khẳng định: “Những chia sẻ này chỉ hoàn toàn cảm tính. Một số nội dung clip không đúng với thực tế“.
Thí sinh hoang mang vì loạn thông tin “những ngành học dễ thất nghiệp”, các trường nói gì?
Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2023. Ảnh: Tào Nga

Thực hư những ngành học bị gắn mác dễ "thất nghiệp"

Mỗi mùa tuyển sinh đến gần, không khó khi lướt trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video hay bài viết tư vấn cho các bạn trẻ về việc lựa chọn ngành nghề, top 5/top 10 ngành dễ thất nghiệp, những ngành có nguy cơ biến mất trong tương lai... 

Cách đây chưa lâu, nhiều clip "hướng nghiệp" với chủ đề "những bằng đại học vô dụng nhất" cũng đã thu hút đến hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội. Những ngành học như Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự, bị các TikToker liệt kê là những ngành có bằng đại học vô dụng nhất. Các cá nhân đăng tải những clip này khuyên các bạn trẻ không nên đăng ký học những ngành này.

Những thông tin này đang khiến cho nhiều học sinh lớp 12 hoang mang, lo lắng khi đứng trước ngã rẽ quan trọng nhất cuộc đời. "Càng đến gần mùa tuyển sinh em lại càng lo lắng về việc chọn ngành. Bố mẹ em thì muốn em học ngành Ngôn ngữ Anh nhưng em lại không thích mà muốn theo ngành Marketing. Càng đọc thông tin trên mạng em lại càng hoang mang", bạn Nguyễn Thanh Thư, học sinh lớp 12 ở Hà Nội bày tỏ.

Không chỉ bạn Thanh Thư, một số học sinh khác cũng lo lắng trước những ngành học được điểm danh dễ thất nghiệp. Một thí sinh ở Gia Lai bày tỏ rất thích ngành Tâm lý học. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều người lại nói ngành này không có việc làm. Một số clip trên Tiktok còn khẳng định ngành này rất khó kiếm việc.

Mới đây, một chuyên gia cũng đưa ra dự đoán xu hướng nghề nghiệp trong năm 2030 bao gồm các ngành như: Khoa học máy tính, marketing (tiếp thị), AI (trí tuệ nhân tạo), big data (dữ liệu lớn) và sản xuất nội dung. Đồng thời, ông đưa ra cảnh báo về 6 ngành nghề sẽ biến mất trong 5 năm tới gồm: Giáo viên; chăm sóc khách hàng, bác sĩ, dược sĩ; kiểm toán, kế toán; bảo vệ, cảnh sát; chuyên gia.

Các trường nói gì trước những ngành bị gắn mác dễ thất nghiệp?

Liên quan đến nội dung này, Ths Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc trung tâm truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM chia sẻ, khi chọn ngành nghề, các em học sinh cần bình tĩnh, suy xét cẩn thận thông tin từ nhiều nguồn để bình tâm với ngành học mình yêu thích và lựa chọn.

Bà Dung cho hay, một ngành học được mở ra trước hết là nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế xã hội, nhu cầu đó có thể tăng cao hoặc suy giảm tại những thời điểm khác nhau. Một ngành có thể "hot" vào hiện tại lại có thể giảm nhu cầu tuyển dụng vào 4-5 năm sau và ngược lại. Các em cần bình tĩnh hệ thống các thông tin về ưu điểm, hạn chế, đặc trưng riêng của từng ngành từ nhiều nguồn để tìm câu trả lời cho mình.

Trao đổi với học sinh trong chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, thời gian gần đây có nhiều clip trên TikTok liệt kê các ngành học nằm trong top "những ngành sẽ thất nghiệp", "những ngành nếu muốn giàu thì không học"… Ngành tâm lý học cũng thường được một số clip TikTok khuyên "không nên học". Những chia sẻ này chỉ hoàn toàn cảm tính. Một số nội dung clip không đúng với thực tế. Vì vậy học sinh phải tỉnh táo trước những clip này.

Chẳng hạn với ngành Tâm lý học, công việc khá đa dạng ở những thành phố lớn từ làm các công việc tư vấn, can thiệp tâm lý đến bộ phận nhân sự ở các công ty. Khi kinh tế - xã hội ở các địa phương càng được nâng cao thì nhu cầu nhân lực tâm lý cũng gia tăng.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó giám đốc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, thừa nhận đây là băn khoăn mà ông nhận được rất nhiều từ các học sinh trong quá trình tư vấn. Những năm gần đây, điểm chuẩn ngành Marketing ở những trường đại học có đào tạo như Đại học Kinh tế TP.HCM, Tài chính - Marketing… luôn ở top cao, cho thấy số bạn trẻ có mong muốn theo học cũng rất lớn.

Tuy nhiên, thí sinh lo lắng khi các chia sẻ trên mạng về chuyện nhiều người học ngành này sẽ khó xin việc chỉ đúng 50%. Ông giải thích một mặt marketing là một phần không thể thiếu của hoạt động kinh tế, nên chừng nào vẫn còn buôn bán, kinh doanh thì vẫn còn nhu cầu nhân lực ngành marketing. Nhưng mặt khác, marketing của 5 năm sau sẽ rất khác so với hiện giờ. Áp lực của nghề là luôn sáng tạo và bắt kịp với xã hội, đồng thời tích hợp thêm kỹ năng của nhiều ngành khác như truyền thông, tổ chức sự kiện và cả công nghệ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật