“Tôi mong không có tai nạn để được giấc ngủ ngon mỗi đêm”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
5 năm với hành trình chạy xe cứu thương miễn phí giúp đỡ hơn 1.000 trường hợp, Lê Anh Tuấn (Bình Dương) được người dân yêu mến gọi là ’Hiệp sĩ bóng đêm’.
“Tôi mong không có tai nạn để được giấc ngủ ngon mỗi đêm”
Lê Anh Tuấn luôn trực sẵn chiếc điện thoại đường dây nóng mỗi tối

Chọn làm người tử tế

Nhẽ ra 5 năm trước, Lê Anh Tuấn sẽ mua chiếc xe phân phối lớn để đi chơi cùng bạn bè. Thế nhưng Tuấn lại mua ô tô để làm việc chẳng giống ai.

"Em ngồi suy nghĩ lại, công việc mình làm cả ngày rồi, về nhà có được đi đâu đâu. Cũng không nhậu nhẹt gì, nếu nhậu thì mai cũng không dậy nổi để đi phụ mẹ bán rau được" - Tuấn muốn làm việc gì đó có ý nghĩa nên quyết định mua xe cứu thương. Nhà Tuấn đã có chiếc xe ô tô dùng để chở rau từ chợ đầu mối về chợ Bình Dương để bán buôn và bán lẻ.

Tuấn bắt đầu công việc từ năm 2018. Bắt đầu từ việc hỗ trợ người bị nạn đưa đến bệnh viện bằng chiếc xe của gia đình. Tuấn giấu bố mẹ, cứ lặng lẽ làm hàng đêm. "Em sợ tất cả, sợ máu, sợ bệnh lây nhiễm, sợ bị hiểu nhầm... và sợ cả bố mẹ lo" - Tuấn nói.

Ban đầu chỉ bạn bè và một vài người biết số điện thoại của Tuấn, mỗi khi thấy người bị nạn trên đường phố, họ sẽ gọi cho Tuấn. Dần dần, bố mẹ biết, hàng xóm biết, Tuấn đành năn nỉ bố mẹ mua thêm chiếc xe nữa. "Em hứa với bố mẹ là em mua xe không phải để làm chuyện xấu" - thấm thoát đã 5 năm, Tuấn có chiếc xe của riêng mình như vậy.

"Tôi mong không có tai nạn để có giấc ngủ ngon mỗi đêm" - Lê Anh Tuấn "hiệp sĩ bóng đêm"

Kể từ những lần hỗ trợ người bị thương trên đường phố đầu tiên, Tuấn rút ra kinh nghiệm: sự bình tĩnh quyết định tất cả. Ngay từ cuộc gọi đầu tiên, cần bình tĩnh để xác định đường đi nhanh nhất, quay lại clip để làm bằng chứng cho gia đình nạn nhân không hiểu nhầm. "Cứu thương là phải đi nhanh, nếu không cẩn thận sẽ xảy ra va chạm trên đường phố" - Tuấn chia sẻ.

Để có thể cứu nạn, Tuấn được các bác sĩ, y tá ở bệnh viện tập huấn cách sơ cứu ban đầu. Anh chàng bán rau ở chợ từng sợ máu đến bủn rủn chân tay dần trở thành người cứu hộ cứu nạn có kỹ năng và sự chuẩn mực.

"Ban đầu em có ghi số người mình cứu, sau em nghĩ mình làm đâu phải để ghi nhận thành tích, vậy là em không ghi nữa" - Đó là lý do Tuấn thường ở lại bệnh viện chờ người nhà đến, chào hỏi một hai câu rồi về. Đêm nào cũng vậy, Tuấn thường nhận hỗ trợ từ 19h đến 3h sáng hôm sau.

Làm người tốt sẽ ngủ ngon hơn

Lê Anh Tuấn có hai chiếc điện thoại. Một chiếc để nghe cuộc gọi đến hay còn gọi là đường dây nóng xe cứu thương của Tuấn, chiếc còn lại để liên lạc. Vì chẳng có thói quen lưu số điện thoại của người bị nạn hay thân nhân, nên lục tìm mãi trong danh bạ 2 điện thoại mới tìm được hai số mà Tuấn “ngờ ngợ” là của người mình từng giúp.

Chị Hương ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nghe máy. Vụ tai nạn xảy ra với con trai đã hơn một tháng nhưng dường như chị vẫn chưa thể quên. " Lúc đó nửa đêm về sáng rồi, thì con trai tôi bị tai nạn. Con kể khi mở mắt ra đã ở bệnh viện".

Lê Anh Tuấn tại buổi lễ vinh danh "Thanh niên sống đẹp 2023"

Đến bây giờ chị Hương vẫn chưa biết chuyến xe cứu thương miễn phí đó là của Lê Anh Tuấn, bởi ân nhân không để lại thông tin liên lạc. Tuấn có số điện thoại của chị là do có bức ảnh biên bản nhận bệnh nhân của bệnh viện.

Một trường hợp nữa gây xúc động mạnh với Tuấn là bà cụ bán tăm khi sang đường bị tai nạn. Đó là ngày đầu tiên của năm 2024. Lúc 21h30 Tuấn đưa bà vào bệnh viện, vì chưa có thân nhân đến nên Tuấn nán lại bệnh viện thầm cầu mong bà tai qua nạn khỏi. Mãi khi anh Nguyễn Văn Hùng người thân của bà đến, Tuấn mới nhẹ nhõm đi về.

"Khi tôi đến bệnh viện hỏi xem ai là người đưa bà đi cấp cứu thì người ta bảo xe 0 đồng, người ta không lấy tiền" - anh Hùng chia sẻ.

Như bao đêm khác, ăn cơm xong, Tuấn lại mặc trang phục sẵn, khi có điện thoại là lên đường.

Vợ chồng Tuấn mới có em bé. Vợ bận bịu con nhỏ, vừa pha sữa vừa nhìn theo chồng rời đi. "Anh ấy đi em lo lắm, đêm hôm, sợ đi nhanh vì cấp cứu mà".

Đã mấy ngàn ngày bố mẹ Tuấn chứng kiến cảnh này, đã quen mà vẫn thấp thỏm. Mẹ mở rộng cánh cổng sắt, bố đi sau dặn dò “Nhớ cẩn thận nghe Tuấn”.

"Nhà tôi có mình nó, gia đình đơn chiếc quá. Đi đêm đi hôm cũng nguy hiểm. Nghe nó khua cửa nó đi là cả nhà giật mình thức dậy, có hôm 1-2h sáng. Không ủng hộ nó cũng làm" - bà Lê Thị Phương Mai mẹ của Tuấn tâm sự.

Vợ chồng Tuấn ở cùng bố mẹ. Công việc mua rau ở chợ đầu mối rồi chở về chợ Bình Dương vừa bán lẻ vừa bán buôn là nguồn thu nhập chính của gia đình. Ngày nào Tuấn cũng bắt đầu chuỗi ngày: 3h sáng đi chợ, 7h sáng về nhà nghỉ ngơi, từ 7h tối đến 3h sáng hôm sau trực điện thoại, ai cần hỗ trợ là lên đường.

"Có những lúc em nghĩ không làm nữa nhưng điện thoại reo lên mình đang nằm ngủ ngon nhưng lại hình dung người ta cần mới gọi đến mình. Cứ nghĩ có tai nạn thì cần mình đi. Khi mình làm xong rồi, giấc ngủ ngon hơn" - Giúp người đã trở thành "thói quen" nếu không làm thì cảm thấy bứt rứt không yên.

Ba bức tường phòng khách nhà Tuấn đều có hai hàng giấy khen. Bà Lê Thị Phương Mai lấy khăn lau bụi trên lớp kính. Với đấng sinh thành chẳng có niềm hạnh phúc nào hơn là con cái dù chẳng phải học cao hiểu rộng, hay nhiều bạc nhiều tiền nhưng vẫn biết sống cho đi trong khả năng của mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật