Phí giữ chỗ lớp 10 đắt đỏ, phụ huynh vẫn sẵn sàng “cọc” để mua yên tâm

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để chắc suất con vào lớp 10 và giảm áp lực cho con, nhiều phụ huynh không ngại chi tiền triệu để đặt cọc giữ chỗ vào các trường tư thục tại Hà Nội.
Phí giữ chỗ lớp 10 đắt đỏ, phụ huynh vẫn sẵn sàng “cọc” để mua yên tâm
“Cha mẹ học sinh hoàn thiện thủ tục ghi danh cho con vào lớp 10 trường THCS và THPT Lý Thái Tổ bằng cách đóng phí ghi danh 1 triệu đồng, phí đặt chỗ 10 triệu đồng”.

“Học sinh làm thủ tục nhập học vào trường THCS và THPT Lương Thế Vinh phải đóng phí nhập học 15 triệu đồng. Phí này không được chuyển nhượng hay hoàn trả trong mọi trường hợp”.

Đọc những dòng thông báo trên, chị Lê Lý (huyện Hoài Đức, Hà Nội) không tránh khỏi bất ngờ trước mức phí đặt cọc, giữ chỗ vào lớp 10 của các trường.

Không riêng 2 trường trên, nhiều trường tư thục khác tại Hà Nội cũng đưa ra mức phí giữ chỗ 10-20 triệu đồng như trường Archimedes (Đông Anh), Sentia, Newton…

“Mức phí cao quá nên tôi vẫn phân vân, chưa ‘chốt’ trường nào để giữ chỗ cho con", chị Lý chia sẻ.

Chị Kim Anh đăng ký xét tuyển cho con ngay khi trường mở bán hồ sơ. Ảnh: NVCC.

“Cọc” để giảm áp lực cho con, “mua” yên tâm cho cha mẹ

Cũng khá bất ngờ với mức phí giữ chỗ quá cao của các trường, tuy nhiên, do đã tìm hiểu từ lâu và khá ưng ý về chất lượng, ngày 5/3, ngay khi trường Lý Thái Tổ mở bán hồ sơ, chị Kim Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã mua hồ sơ, đăng ký xét tuyển thẳng bằng học bạ cho con trai.

Đến tháng 4, trường sẽ thông báo kết quả xét tuyển. Nếu con trai trúng tuyển, chị sẵn sàng đóng 11 triệu đồng để hoàn thiện thủ tục nhập học cho con. Thế nhưng, nữ phụ huynh “vẫn lo lắm bởi chỉ tiêu vào trường chỉ 400, trong khi hồ sơ cũng lên đến hàng nghìn.

Vì vậy, chị Kim Anh cũng rốt ráo đăng ký cho con thêm phương án dự phòng thứ 2 vào trường THPT Hoàng Mai. Hiện tại, con trai chị đã trúng tuyển vào trường này, phải đóng 4,7 triệu đồng (gồm phí nhập học, học phí, tiền hỗ trợ cơ sở vật chất…).

Chị Kim Anh nói mức phí chị phải đóng đã được giảm, đồng thời sẽ được hoàn lại nếu con chị đỗ vào các trường công lập nên chị cũng yên tâm.

Chị Kim Anh đăng ký cho con thêm phương án dự phòng thứ 2. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với Tri thức - Znews, chị Kim Anh cho hay gia đình không ngại chi tiền để con có chỗ dự phòng nếu trượt công lập.

Năm nay, Hà Nội có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng hơn 5.000 em so với năm học trước. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập thường chỉ khoảng 60%. Tỷ lệ chọi tăng cao kéo theo áp lực với nhiều học sinh, trong đó có gia đình đình Kim Anh.

Năm nay, con chị lại dự tính đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Nhân Chính - một trong những trường có mức độ cạnh tranh cao tại Hà Nội - và chỉ nắm chắc 50% đỗ. Vì vậy, mức độ căng thẳng của con cũng cao hơn.

Thương con áp lực, không có thời gian nghỉ ngơi, chị Kim Anh quyết định tìm phương án dự phòng ngay khi con học lớp 8.

“Con đỗ trường công thì tốt, việc bỏ cọc cũng không vấn đề gì bởi gia đình coi đây là phí cơ hội cho con. Ngược lại, nếu không đỗ, bố mẹ cũng an tâm vì con vẫn có môi trường học tập tốt tại trường tư thục", chị Kim Anh chia sẻ.

Lựa sức học của con để quyết định “cọc" hay không

Cũng có con chuẩn bị thi vào lớp 10 tại Hà Nội, thế nhưng thời điểm hiện tại, chị Vân Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại không quá sốt ruột tìm trường tư dự phòng.

Chị kể năm chuẩn bị lên lớp 6, con tham gia thi vào các trường tư thục top ở Hà Nội. Do không đánh giá sát khả năng của con, đồng thời không tìm hiểu kỹ, chị đã vội vàng chi khoảng 15 triệu đồng để đặt cọc giữ chỗ vào một trường. Sau đó, chị cũng phải “cắn răng" bỏ cọc trường này bởi con đã đỗ vào ngôi trường ưng ý hơn.

Rút kinh nghiệm từ lần này, con chuẩn bị lên lớp 10, chị Kim Anh cẩn trọng theo sát con và kiên định hơn với lựa chọn của mình. Nữ phụ huynh quan sát, đánh giá con sau mỗi lần thi thử ở trường và phán đoán mức điểm con có thể đạt được để đưa ra nguyện vọng hợp lý.

Chị dự định đăng ký nguyện vọng 1 cho con vào trường THPT Việt Đức, nguyện vọng 2 dự kiến sẽ đăng ký vào trường có điểm chuẩn thấp hơn 4 điểm so với nguyện vọng 1 để tăng cơ hội đỗ.

“Tôi đặt niềm tin vào con, tin con sẽ làm được nên dù vẫn tìm hiểu trước để chủ động nhưng tôi không nhòm ngó quá nhiều trường tư thục, cũng không vội vàng đóng phí ghi danh dù con đủ điều kiện nộp hồ sơ vào nhiều trường. Chưa kể năm nay, con thứ 2 của tôi cũng vào lớp 6, nếu cọc nhiều trường với mức phí cao như năm nay, gia đình cũng không đủ chi phí”, chị Vân Anh nói.

Nữ phụ huynh chia sẻ các trường tư thục thường có 2 hình thức tuyển sinh. Một là xét tuyển học bạ, ghi danh sớm, đặt cọc để chắc chắn suất học. Hai là nộp hồ sơ sau khi con có điểm thi. Chị Vân Anh lựa chọn phương án thứ 2, nếu con không đỗ công lập, chị mới nộp hồ sơ, tránh việc phải đặt cọc.

“Dù vậy, phương án này có hơi mạo hiểm vì có thể các trường đã đủ chỉ tiêu, không tuyển thêm. Nhưng quan trọng, tôi tin tưởng vào khả năng của con mình”, chị Vân Anh nói.

Phụ huynh cần đánh giá năng lực của con trước khi đặt cọc giữ chỗ tại các trường tư thục. Ảnh minh họa: Thành Đông.

Tương tự, trao đổi với Tri thức - Znews, chị Lê Lý cho hay dù đã tìm hiểu các trường tư thục từ lâu để có phương án dự phòng cho con, tuy nhiên, với mức phí giữ chỗ quá cao của các trường tư thục, chị đổi kế hoạch nhắm tới các trường có yêu cầu thấp hơn như trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tùng Mậu để phù hợp với kinh tế gia đình.

Nữ phụ huynh cũng đánh giá năng lực của con để đưa ra quyết định này bởi con gái chị có sức học khá, khả năng đỗ công lập cao.

“Các trường đưa ra mức phí cao nhưng lại kèm yêu cầu không được hoàn trả hay chuyển nhượng. Nếu con đỗ trường công, bỏ cọc, tôi cũng xót. Vì vậy, tôi chọn phương án đợi con thi xong, căn cứ vào điểm của con để đưa ra quyết định dự phòng và chọn những trường có phí giữ chỗ thấp hơn", chị Lý chia sẻ.

Nên có giới hạn mức phí

Đánh giá yêu cầu thu phí ghi danh của các trường tư thục, cả 3 nữ phụ huynh đều cho rằng đây là chính sách hợp lý để đảm bảo hiệu quả tuyển sinh của họ, hạn chế tỷ lệ ảo.

Tuy nhiên, cả 3 chị cũng đánh giá mức cọc 10-20 triệu đồng của một số trường hiện nay là quá cao, có phần vô lý bởi số tiền này hầu như không được hoàn lại nếu các phụ huynh muốn rút hồ sơ.

“Nếu các con theo học, trường khấu trừ chi phí này vào học phí thì không vấn đề gì. Tôi nghĩ các trường nên giảm mức cọc xuống để phù hợp với kinh tế nhiều gia đình, đồng thời có chính sách ưu đãi nếu đóng phí giữ chỗ sớm trước hạn", chị Lê Lý chia sẻ.

Trong khi đó, chị Kim Anh thắc mắc không biết các trường căn cứ vào các tiêu chí nào để đưa ra mức cọc bởi hiện tại, bởi mỗi trường lại có một mức thu khác nhau.

“Việc đóng phí đặt cọc là hoàn toàn tự nguyện, là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, tuy nhiên, tôi nghĩ các trường cần đưa ra mức phí hợp lý, không thể năm nay tăng gấp đôi năm trước. Mức cọc 5 triệu đồng đổ lại sẽ là phù hợp”, nữ phụ huynh nói.

Ngoài ra, chị Kim Anh và chị Vân Anh đều cho rằng bên cạnh việc tôn trọng quyền tự chủ của các trường ngoài công lập, các cấp quản lý cũng nên có sự điều phối rõ ràng với những trường hợp này. Việc đặt ra giới hạn của mức phí đặt cọc là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho phụ huynh và học sinh.

“Các trường cũng nên có phương án hoàn lại phụ huynh một phần chi phí giữ chỗ, giữ lại khoảng 1/3 số tiền để bù lại chi phí tuyển sinh. Như vậy là hợp lý", chị Vân Anh đề xuất.

Hai chị cũng khuyên các phụ huynh khác không nên đặt cọc trong trạng thái vội vàng hoặc bị xao động, bị phân tâm theo đám đông dẫn đến quyết định mang tính thời điểm, tránh tâm lý lo lắng thái quá dẫn đến việc đặt cọc quá nhiều, gây lãng phí.

Khi quyết định đặt cọc vào một trường, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, khoảng cách đi lại, học phí, kinh tế gia đình và quan trọng là năng lực của con để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật