Chuyện hai con rắn thần trên sông Đà Rằng

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sông Đà Rằng là hạ lưu của sông Ba, đoạn từ đập Đồng Cam đến cửa biển Đà Diễn, dài 32km. Sông Đà Rằng theo tên gọi của người Chăm là Ea Rarang. Đồng bào người Kinh có một truyền thuyết về hai con rắn thần trên sông Đà Rằng này như sau:
Chuyện hai con rắn thần trên sông Đà Rằng
Bên bờ Sông Ba - Ảnh: NGỌC ÁNH

Có hai vợ chồng nhà nọ chuyên nghề chăn vịt đẻ. Một bữa nọ, khi ra chòi lượm trứng thì thấy có hai quả to khác thường. Người chồng bàn với vợ để riêng và cho ấp nở con. Nhưng lạ lùng thay, hai quả trứng ấy lại nở ra hai con rắn, một dài một cụt đuôi, màu trắng. Chúng phàm ăn, chóng lớn và hiền lành không bao giờ bắt vịt trong đàn mà chỉ đi săn bắt chuột đồng, ếch nhái…

Khi chúng lớn bằng chiếc sõng câu, dài đến gần mười trượng thì sức ăn càng dữ: chuột đồng ếch nhái không còn nên lén đi thật xa, đến các làng khác bắt gà vịt, đến nỗi bị tóm được, cả làng khiêng vất xuống sông, được Long Vương cải hoán cho làm con nuôi. Sau một thời gian, con cụt đuôi ỷ mình là con Long Vương nên thường nổi lên quấy nhiễu dân đò ngang đò xuôi ở đoạn sông Đà Rằng.

Một hôm có hai vợ chồng nọ đi thuyền ngược lên Đồng Cam. Người vợ cực kỳ xinh đẹp. Rắn cụt đuôi nảy tà tâm liền quẫy sóng nhận chìm thuyền, bắt người vợ về thủy cung giao hoan. Người chồng may mắn được dân làng cứu sống. Đang đứng trên bờ than thở thì thấy có vị thần mặt đỏ, râu đỏ đang ngồi luyện thuốc linh đơn dưới gốc cây già. Ông chính là Xích Long Hầu. Nghe người chồng kể lể sự tình, Xích Long Hầu liền hóa phép cho người chồng xuống thủy cung và tìm thấy vợ đang bị trói gô ở đó. Người chồng tìm cách thuyết phục quân lính gác cổng để được bái yết Long Vương. Ông ta sụp lạy và khóc lóc thảm thiết, kể lể sự tình về việc vợ mình bị rắn cụt đuôi bắt mất. Nghe chuyện, Long Vương nổi giận, bắt đày rắn cụt đuôi ra tận sông Kỳ Cùng, trả lại vợ cho người chồng chung thủy. Còn rắn dài thì được ở lại, để chặn lũ lụt, cứu giúp dân dọc hai bờ sông, hút phù sa từ lòng sông phun lên hai bờ tạo ra cánh đồng màu mỡ dọc hai bờ sông Đà Rằng ngày nay.

 

(Theo lời kể của ông Nguyễn Hốc và bà Đào Thị Kiết, đối chiếu “Truyện cổ dân gian” của Ngô Sao Kim).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật