Lạc Sơn (Hoà Bình): Dân kêu trời vì khu tái định cư nghìn tỷ bị sụt lún

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều hộ dân được giao đất tại các điểm tái định cư thuộc dự án hồ chứa nước Cánh Tạng kêu trời vì khu hạ tầng kỹ thuật chưa làm xong mặt bằng, nhiều hạng mục xuống cấp, đất nền yếu khiến cho người dân không thể xây dựng nhà cửa vì sụt lún, toác tường....
Lạc Sơn (Hoà Bình): Dân kêu trời vì khu tái định cư nghìn tỷ bị sụt lún
Phối cảnh dự án hồ chưa nước Cánh Tạng tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình.

Đấu thầu dự án trăm tỷ tại huyện Quốc Oai, vì sao giá bỏ thầu lại "Siêu tiết kiệm"?

Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện tại huyện Lạc Sơn và huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình từ năm 2017 - 2020 với tổng mức đầu tư Dự án là 3.115 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là xây dựng hồ chứa điều tiết nguồn nước để cấp nước tưới cho khoảng 6.460 ha đất canh tác của 17 xã thuộc 2 huyện Lạc Sơn và Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Xem Video: Cha chỉ định thầu cho con khiến hàng ngàn nhà dân bị ngập, sụt lún

//

Tạo nguồn cấp nước bổ sung cho các công trình ở hạ lưu trong mùa kiệt (tưới 2.500 ha huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) với lưu lượng 2 m3/s; cấp nước 200 ha khu công nghiệp Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy; cấp nước sinh hoạt cho 3.500 dân thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn; tạo cơ sở cho phát triển kinh tế vùng theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống nhân dân hai huyện Yên Thủy và Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình và huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Hồ chứa nước Cánh Tạng có dung tích khoảng 95 triệu m3, bao gồm các hạng mục: Đập ngăn sông, tràn xả lũ, cống lấy nước và các công trình phụ trợ nằm trên địa phận xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dự án được triển khai bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020.

Bộ NN&PTNT yêu cầu khởi công công trình đầu mối trong quý I/2019. Diện tích đất thu hồi của dự án là 728,44 ha, có 652 hộ dân phải di chuyển để thực hiện dự án.

Phương án di dân tái định cư sẽ thực hiện bố trí 3 khu, 8 điểm TĐC tập trung chính thức với khả năng bố trí khoảng 600 hộ, ngoài ra cũng xác định 2 điểm TĐC dự phòng tái xã Bình Hẻm và Văn Nghĩa với khả năng tiếp nhận 100 hộ.

Kinh phí bồi thường hỗ trợ TĐC tại dự án này là hơn 1000 tỷ đồng. Phần xây lắp đắp hai bờ đập và nạo vét lòng hồ do Ban quản lý dự án các công trình thuỷ lợi 1 thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là hơn 800 tỷ đồng.

Kỳ vọng là như vậy, nhưng hiện nay dự án này để lại quá nhiều bất cập khiến cho người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Clip khu hạ tầng kỹ thuật tại khu tái định cư chưa hoàn thiện các hạng mục, kênh mương thoát nước và sự bức xúc của người dân về chất lượng công trình.

Nghiêm trọng nhất là diện 18 hộ dân bị thu hồi đất với lời cam kết từ Chủ đầu tư sẽ được một suất tái định cư ở nên đất cứng có hệ thống đường điện, rãnh thoát nước, bờ kè mái ta luy kiên cố, khi đền bù đất xong là có thể xây dựng nhà cửa ngay lập tức.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam, một hộ dân bức xúc cho biết: “Mặc dù chúng tôi bị mất đất mất nhà để phục vụ công trình của nhà nước để phát triển kinh tế, người dân chúng tôi vui mừng và ủng hộ dự án.

Nhưng hiện nay, UBND huyện Lạc Sơn tiến hành giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư có quá nhiều điều bất cập, đẩy người dân kém hiểu biết như chúng tôi vào cùng đường, khổ lắm...chất lượng hạ tầng đường điện, mái taluy được công nhân thi công rất ẩu nay đã có dấu hiệu xuống cấp".

Mái taluy mới làm đã bị nứt rịa đá mà theo người dân thì do công nhân của đơn vị thi công chỉ chồng đá lên nhau rồi quét một lớp vữa xi cát lên bề mặt.

Tiếp lời, một hộ dân khác bức xúc cho hay: “Việc bốc thăm chọn suất đất tái định cư cũng không công bằng khi những người có quan hệ, quen biết từ cấp xã đến cấp huyện thì được suất nền đất cứng, mặt tiền đẹp còn 18 hộ dân chúng tôi là người dân tộc thiểu số ít học, lại kém hiểu biết thì UBND huyện Lạc Sơn lại phân cho chúng tôi vào mãi sâu bên trong, giáp mái ta luy, nền đất mượn ở bên dưới là con suối không thể xây dựng nhà cửa, hạ tầng thì vẫn ngổn ngang, nhiều hạng mục chưa được người dân chúng tôi sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp...”.

Khi người dân đào móng nhà lên thì dưới nên đất toàn cây tre, cỏ mục và nước.

Một người phụ nữ xin được dấu tên bức xúc cho biết: “Tại khu tái định cư xóm Nhụn thì Chủ đầu tư chưa giải phóng xong mặt bằng đã cho các hộ dân bốc thăm lấy đất tái định cư. Khi dân chúng tôi vào xây dựng đào móng nhà lên thì tá hoả khi phát hiện phía dưới lòng đấ toàn cọc tre với nước.

Hiện nay đã có 2 hộ dân tiến hành xây dựng nhà cửa kiên cố bằng cọc bê tông, cốt thép nhưng xây lên thì bị đổ.

Còn 18 hộ dân không dám xây dựng nhà cửa. Dân chúng tôi bức xúc lắm nhiều lần đơn thư kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng chưa được giải quyết thoả đáng...”.

Một hộ dân xây nhà bằng cọc bê tông và gạch nhưng do nền đất lún bị nứt, toác tường.

Theo ghi nhận và quan sát thực tế của phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam tại các điểm khu tái định cư trong dự án hồ chứa nước Cánh Tạng có nhiều điểm bất cập về hệ thống thoát nước, cống rãnh, mái ta luy chống sạt lở cũng chưa được chủ đầu tư và đơn vị thi công hoàn thiện mà ngổn ngang như một đại công trường nhưng vẫn để người dân vào xây dựng nhà cửa, bấp chấp sự nguy hiểm, rủi ro luôn rình rập tính mạng và tài sản của người dân.

Nhiều hạng mục được các nhà thầu thi công ẩu, tình trạng sạt lún mặt bằng khiến cho nhiều hộ dân không thể xây dựng nhà cửa.

Liên quan đến sự việc này, trao đổi với PV Báo Pháp Luật Việt Nam vào ngày 30/12/2021, ông Trần Văn Vượng, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hoà Bình cho biết: “Việc bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư chủ đầu tư là UBND huyện Lạc Sơn chứ Ban không có thẩm quyền làm việc này, ban chỉ nhận uỷ thác quản lý dự án công việc cụ thể là các hạng mục mời thầu, chấm thầu, còn phê duyệt lựa chọn nhà thầu lại phải do Ban quản lý dự án đầu tư các công trình thuỷ lợi 1 thuộc Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn họ thực hiện...”.

Trụ sở Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hoà Bình, đơn vị được uỷ thác quản lý dự án này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nhiều hộ dân bức xúc vì hạ tầng như hệ thống cống rãnh, thoát nước, hệ thống điện, kè mái ta luy chưa xong mà Chủ đầu tư vẫn cho người dân vào xây dựng nhà dẫn đến tình trạng sụt lún, nứt toác nhà dân thì trách nhiệm thuộc về đơn vị nào?

Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp tỉnh Hoà Bình cho biết: “Việc này Ban không làm mà Chủ đầu tư là UBND huyện Lạc Sơn thực hiện.

Tại điểm tái định cư xóm Nhụn bị sụt lún thì UBND huyện Lạc Sơn đã có báo cáo gửi UBND tỉnh rồi. UBND tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo yêu cầu UBND huyện Lạc Sơn vận động hơn 20 hộ dân di dân đến nơi tái định cư dự phòng để đảm bảo an toàn. Hiện nay đang giao cho đơn vị tư vấn khảo sát đánh giá tìm nguyên nhân”.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lún, nứt nẻ nhà dân và mặt bằng hiện tại vẫn còn ngổn ngang, vị phó giám đốc ban lý giải: “Nguyên nhân sụt lún các điểm tái định cư được xác định là do ở trong lòng núi đá cát tơ, mưa nhiều nên nước chảy ra dẫn tới nền đất yếu, mà năm nay lại mưa nhiều nên không tránh khỏi.

Điểm sạt lở, sụt lún ở xóm Nhụn là do Công ty CP đầu tư xâu dựng LD Hoà Bình làm nhà thầu thi công. Còn về bồi thường giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật tại dự án này là do UBND huyện Lạc Sơn làm chủ đầu nên tôi không nắm được và không thể cung cấp thông tin được...”.

Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp tỉnh Hoà Bình cho biết thêm: “Hiện nay dự án đang chậm tiến độ là do thiếu nguồn vốn để làm giai đoạn 2, chưa giải phóng xong mặt bằng vì do mức áp giá đất của tỉnh chưa được người dân chấp thuận.

Một số điểm tái định cư người dân tự xây nhà. Trách nhiệm về khâu bồi thường giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật di dân tái định cư là do UBND huyện Lạc Sơn làm chủ đầu tư với số vốn là hơn 1000 tỷ đồng nên PV liên hệ làm việc với huyện Lạc Sơn để nắm rõ hơn về dự án này...”

PV Báo Pháp Luật Việt Nam đã liên hệ với người đứng đầu chính quyền huyện Lạc Sơn là ông Bùi Văn Lịnh thì ông đề nghị liên hệ với Chánh văn phòng UBND huyện Lạc Sơn để sắp xếp lịch làm việc.

Tuy nhiên thay vì cầu thị, lắng nghe những kiến nghị, bức xúc của người dân thông qua cơ quan báo chí thì ông Nguyễn Quốc Tiệp, Chánh văn phòng UBND huyện Lạc Sơn lại viện vào công tác chống dịch để từ chối tiếp phóng viên khi cho rằng: “Hiện nay huyện chúng tôi là vùng đỏ không thể gặp các anh được, ưu tiên của chúng tôi là chống dịch.

Hơn nữa việc bồi thường giải phóng mặt bằng các anh (tức -PV) không thể động vào đó được vì thanh tra tỉnh họ đang thanh tra nên huyện không thể cung cấp được...”.

Trụ sở UBND huyện Lạc Sơn nơi UBND huyện này làm chủ đầu tư phần bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư tại dự án hồ chứa nước Cánh Tạng.

Sau đó, vị Chánh văn phòng huyện này còn thông tin việc tiếp phóng viên đã được ông Bùi Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND huyện có văn bản giao cho Ban QL dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hoà Bình tham mưu cho UBND huyện làm việc và có văn bản phúc đáp Báo Pháp Luật Việt Nam...

Tuy nhiên trao đổi qua điện thoại với ông Trần Văn Vượng về văn bản chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn thì ông Vượng cho biết: “Phía Ban có nhận được công văn từ UBND huyện Lạc Sơn.

Tuy nhiên như đã trao đổi với PV từ trước thì việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư là do UBND huyện Lạc Sơn làm chủ đầu tư, tôi không thể trả lời nội dung này được, tôi không làm nên có nắm đâu mà phía UBND huyện lại giao cho ban được.

Bây giờ tôi trả lời về bồi thường, di dân tái định cư sau này mà thanh kiểm tra, hay kiểm toán dự án này ai là người chịu trách nhiệm.

Phía ban sẽ có văn bản phản hồi lại văn bản của UBND huyện Lạc Sơn theo đúng quy định và sẽ thông tin cho PV...”.

Trong dự án này, các nhà thầu thi công 8 điểm tái định cư có năng lực ra sao và chất lượng công trình tại khu tái định cư này như thế nào?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật