Gian nan “tìm đường” xuất khẩu chuối

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dịch Covid-19 là phép thử khắc nghiệt cho việc xuất khẩu nông sản của Lai Châu, đặc biệt là mặt hàng chuối tươi. Hoạt động thông quan tại các cửa khẩu liên tục bị gián đoạn, thời gian tạm dừng nhiều hơn hoạt động khiến cho việc xuất khẩu chuối của địa phương biên giới này gặp rất nhiều khó khăn.
Gian nan “tìm đường” xuất khẩu chuối
Người trồng chuối ở Lai Châu phấp phỏng vì đầu ra của chuối không ổn định. Ảnh: Bích Nguyên

Tôi gặp chị Tẩn Thị Vân, ở bản Sòn Thầu 1, xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu ngay tại chợ chuối đầu mối thuộc xã biên giới Ma Li Pho. Trời mưa nặng hạt, vẫn có rất đông người dân chở chuối từ các thôn, bản trên núi xuống đây bán. Chị Vân bảo, mỗi ngày thu mua khoảng 10 tấn chuối, giảm hơn rất nhiều so với trước đây, bởi giá chuối hiện đang xuống thấp, chỉ còn 5.000 đồng/kg.

“Nếu xuất được qua cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) thì được giá cao hơn. Hiện giờ, chúng tôi phải xuất qua cửa khẩu tại Lạng Sơn nên chỉ mua được cho người dân từ 5.000-6.000 đồng/kg. Đi đường Lạng Sơn mất nhiều chi phí vận chuyển nên không thể mua được giá cao hơn nữa” - chị Vân cho biết.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cửa khẩu Ma Lù Thàng đã hoạt động trở lại, tuy nhiên, phía Trung Quốc mới chỉ nhập khẩu các mặt hàng nông sản khô như hạt tiêu, mực khô. Các mặt hàng hoa quả tươi như chuối vẫn không được nhập khẩu qua cửa khẩu này khiến cho quả chuối của Lai Châu phải đi vòng vèo rất xa mới sang được đất Trung Quốc.

Giống như chị Vân, chị Hoàng Xa Ngậu, ở bản Sơn Bình, xã Ma Li Pho điện thoại liên tục trao đổi với phía bạn hàng Trung Quốc về giá chuối, số lượng hàng. Đã quen nghề thu mua chuối xuất sang Trung Quốc trong nhiều năm, nhưng chị Ngậu vẫn phải than trời vì đường đi của quả chuối quá gian nan: “Giá chuối vì thế cũng lên xuống thất thường, trong các năm từ 2016 đến 2018, hoạt động thông thương qua biên giới thuận lợi, bình quân giá chuối khoảng 10.000 đồng/kg, thậm chí lên tới 12.000 đồng/kg. Lúc chuối được giá, người trồng phấn khởi, người buôn cũng vui mừng. Nhưng hiện giờ, chúng tôi không thể mua quá mức giá 6.000 đồng/kg”.

Từ khi có dịch Covid-19, mọi chuyện khó khăn hơn rất nhiều. Trước đó, những thương nhân như chị Ngậu xuất khẩu chuối qua cửa khẩu Ma Lù Thàng, quãng đường vận chuyển gần hơn rất nhiều hiện nay, chi phí vì thế cũng không quá cao, 1 tấn chuối chỉ mất khoảng 17.000 đồng phí vận chuyển.

“Khi dịch Covid-19 bùng phát, việc thông thương qua cửa khẩu Ma Lù Thàng bị chậm, tôi bị hỏng mất 3 xe hàng (30 tấn quả). Sau đó, cửa khẩu Ma Lù Thàng và một số cửa khẩu tạm dừng thông quan để phòng, chống dịch, hoạt động xuất khẩu chuối khó khăn hơn rất nhiều. Tôi phải tìm cách xuất khẩu chuối qua các cửa khẩu khác. Tôi từng thử nghiệm đưa chuối đi qua cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) sang Lào rồi tiếp tục xuất sang Trung Quốc. Tính ra, đi theo tuyến này, chi phí vận chuyển, thuế và các loại phí cho 1 xe chuối 30 tấn mất hơn 164 triệu đồng, trong đó, riêng tiền vận chuyển là 20 triệu đồng, cao hơn rất nhiều lần so với việc xuất qua cửa khẩu Ma Lù Thàng. Chưa kể, đường đi quá xa, chuối bị hư hỏng rất nhiều, phí tổn tăng lên khiến chúng tôi lỗ vốn nặng” - chị Ngậu kể.

Hướng đi qua cửa khẩu Tây Trang không hiệu quả, chị Ngậu chuyển sang xuất khẩu chuối qua cửa khẩu đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai) nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn thì đến tháng 1/2022, phía Trung Quốc tạm dừng nhập chuối tươi. Sau đó, chị Ngậu mới tìm cách xuất hàng qua cửa khẩu tại Lạng Sơn. Chị Ngậu cho biết: “Chi phí cho mỗi chuyến hàng đi theo tuyến này cũng rất cao, nhưng vẫn đỡ hơn so với đi qua Điện Biên. Từ đầu tháng 5 đến nay, tôi mới xuất được 15 chuyến hàng”.

Nhìn lại hành trình gắn bó với quả chuối, chị Ngậu bảo, gia đình tôi khấm khá lên nhờ chuối nhưng cũng lao đao, “ba chìm, bảy nổi” vì loại quả này. Năm 2015, chị Ngậu bắt đầu học nghề thu mua chuối để xuất sang Trung Quốc. Năm 2016, kinh nghiệm còn ít, chị chỉ kiếm được 20 triệu đồng. Năm 2017, chị thu lợi nhuận từ chuối được 100 triệu đồng. Con số này tăng lên 400 triệu đồng vào năm 2019. Sang năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát đã gây thiệt hại nặng nề cho chị.

“Trong 2 năm vừa qua, tôi bị thiệt hại 5 chuyến hàng do không thông quan được, trong đó có 2 xe đi qua cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn, 1 xe đi qua cửa khẩu tại tỉnh Lào Cai và 2 xe tại cửa khẩu Ma Lù Thàng. Hơn 50 tấn chuối bị hư hỏng phải đổ bỏ, thiệt hại gần 500 triệu đồng” - chị Ngậu chia sẻ.

Thực tế, khi hoạt động xuất khẩu chuối tươi qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà bị dừng, các doanh nghiệp phải xuất khẩu chuối qua cửa khẩu tại các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai... Tuy nhiên, sản phẩm chuối xuất khẩu đi các cửa khẩu khác không sử dụng mã vùng trồng của Lai Châu nên tiêu thụ không được nhiều. Trong khi đó, tỉnh Lai Châu chưa có nhà máy chế biến sản phẩm từ quả chuối tươi nên tình hình tiêu thụ chuối của nhân dân gặp khó khăn.

Chị Tẩn Thị Vân loại bỏ những quả chuối xấu trước khi đóng hàng xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Bích Nguyên

Hiện nay, diện tích trồng chuối của xã Ma Li Pho đã giảm xuống còn 300ha, sản lượng đạt 13 tấn/ha, năng suất đạt 1.950 tấn. Tính chung toàn tỉnh Lai Châu, hiện có hơn 4.000ha chuối, chủ yếu ở huyện Phong Thổ, giảm khoảng 300ha so với năm trước. Nguyên nhân là do tiêu thụ khó khăn, người dân phá bỏ để trồng cây khác.

Mặt hàng chuối của tỉnh Lai Châu hiện đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Suốt 2 năm qua, người trồng chuối thường xuyên rơi vào cảnh thấp thỏm bởi hoạt động giao thương biên giới đình trệ, giá chuối lên xuống thất thường. Chị Ngậu cho biết, nếu xuất được chuối qua cửa khẩu Ma Lù Thàng thì giá chuối sẽ tốt hơn, người trồng chuối sẽ có niềm tin hơn, không phá bỏ cây chuối nữa.

Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo việc tiêu thụ chuối ổn định, bền vững, cần đẩy mạnh việc đưa chuối vào chế biến. Được biết, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh kết nối, hướng dẫn doanh nghiệp quảng bá và đưa sản phẩm chuối tươi vào hệ thống siêu thị trong nước. Địa phương này cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến giúp việc tiêu thụ chuối bền vững hơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật