Ám ảnh rác ở trung tâm thành phố

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Rác ở gốc cây, rác lấn sang vỉa hè, “ăn“ vào những thảm cỏ xanh mướt tại nhiều con đường trung tâm, làm xấu bộ mặt đô thị TP HCM
Ám ảnh rác ở trung tâm thành phố
Xe tập kết rác trên đường Trang Tử (quận 5, TP HCM)

Đi qua nhiều tuyến đường trung tâm TP HCM, không khó để bắt gặp hình ảnh những bãi rác tự phát, những xe tập kết rác bốc mùi, những dòng kênh lềnh bềnh rác và cả đủ loại rác thải sinh hoạt của người dân vứt xuống các gốc cây, lấn xuống lòng đường.

Đâu cũng thấy rác!

Trên đường Hoàng Sa, Trường Sa (quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận), dù có biển "Cấm đổ rác" nhưng cứ cách chừng 100 m lại thấy rác ở gốc cây, trên bãi cỏ, tràn ra vỉa hè, lấn xuống lòng đường và "chiếm" luôn nhà chờ xe buýt. 

Đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) cũng không khá hơn khi rác từ vỉa hè đến lòng đường, che lấp cả miệng cống thoát nước. Đường Võ Văn Tần (quận 3) có bãi tập kết rác tự phát ngay giữa ngã tư, bốc mùi hôi thối.

Nhiều nhất là tình trạng người dân để rác ở gốc cây, vỉa hè, hiên nhà dù chưa đến giờ thu gom. Chỉ cần người đi bộ không để ý, vấp phải khiến các túi rác văng xuống vương vãi khắp mặt đường.

Điển hình tuyến đường Nguyễn Tri Phương, 3 Tháng 2 (quận 10), An Dương Vương, Ngô Gia Tự (quận 5)..., dù đã được bố trí nhiều thùng rác dọc theo hai bên đường nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng "tiện đâu, vứt đó", khi nhiều nơi xuất hiện những túi đựng rác lớn nhỏ, đầy màu sắc được đặt ở gốc cây. Thậm chí dù thùng rác chưa đầy, người ta không bỏ trong thùng mà đặt kế bên làm vương vãi và tạo nên cảnh nhếch nhác.

Đáng nói, góp phần làm xấu bộ mặt đô thị, gây ô nhiễm còn là do các xe tập kết rác chờ xe chuyên dụng đến chở đi.

Đi ngang đường Hải Thượng Lãn Ông và Võ Văn Kiệt (quận 5), nhiều người phải nín thở vì rác trải dài dọc hai bên đường, xe tập kết rác nối đuôi nhau chờ xe chuyên dụng, nước thải từ rác chảy xuống cả vỉa hè và lòng đường, bốc mùi hôi nồng nặc vừa gây ô nhiễm môi trường vừa cản trở giao thông.

Ở đường Điện Biên Phủ, Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh), Mạc Đĩnh Chi (quận 1), giữa dòng xe tấp nập, xe thu gom rác này vẫn nhẩn nha đi lại, dừng đỗ khiến ùn tắc giao thông vào khung giờ cao điểm.

Trên bờ là vậy, dưới kênh cũng không thoát khỏi rác thải. Dọc các kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, rác thải đủ loại nổi lềnh bềnh, màu nước đổi sang đen, bốc mùi hôi khó chịu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân trong khu vực.

Chị Phan Lê Anh Thư (có nhà gần kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) bức xúc: "Thời tiết oi bức cộng thêm mùi rác bốc lên, dù có ở trong nhà cũng không thể chịu đựng nổi. Trời mưa thì rác làm tắc nghẽn cống, nước mưa không thoát được gây ngập. Tình trạng này kéo dài nhiều năm rồi nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để...".

Dù có thùng rác vẫn như không trên đường Ngô Gia Tự (quận 10, TP HCM)

Rác trên đường Trần Cao Vân (quận 3, TP HCM)

Rác tràn miệng cống trên đường Hoàng Sa (quận Phú Nhuận, TP HCM)

Nhiều giải pháp xử lý

Để trị "bệnh" vứt rác bừa bãi, ngoài chuyện xử phạt, cần có những giải pháp thiết thực. Theo ThS tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Vui, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), người Việt có tâm lý sợ bẩn mình nhưng kệ người. Ở môi trường công cộng, người dân chưa có thói quen bỏ rác đúng chỗ. Nhiều người có suy nghĩ đã có công nhân vệ sinh dọn, không ảnh hưởng đến mình.

"Bằng hình ảnh, clip rõ ràng, truyền thông đến người dân nội dung rác thải là nguồn cơn của nhiều tai hại và chính con trẻ cũng học được những điều không hay. Ngoài ra, cần thay đổi khẩu hiệu "Cấm đổ rác" bằng những lời cảm ơn như: "Cảm ơn vì bạn là người văn minh", "Cảm ơn vì đã giữ sạch nơi này".

Ở góc cạnh Pháp Luật, nếu chúng ta có chế tài nhưng không thực thi sẽ tạo ra tâm lý nhờn luật. Các vấn đề về cách triển khai, con người vận hành... cần được phối hợp đồng bộ để "trị căn bệnh mạn tính" này" - bà Nguyễn Thị Ngọc Vui nói.

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (TP HCM), thông tin: Nghị định 55/2021/NĐ-CP nêu rõ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 4 triệu đồng cho hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng. Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng quy định xử phạt từ 1 - 4 triệu đồng đối với hành vi đổ rác không đúng nơi quy định.

"Có chế tài nhưng lại chưa đủ răn đe, dù cơ quan chức năng đã cố gắng áp dụng hình thức chế tài và tuyên truyền nhưng chưa thay đổi nhiều ý thức của người dân. Thay vì bắt quả tang, cần mạnh tay hơn nữa việc sử dụng phạt nguội.

Đến lúc cần quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị trong việc bảo vệ môi trường; hơn nữa, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định Pháp Luật về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, xử lý nghiêm một số trường hợp để răn đe" - luật sư Trần Minh Hùng đề xuất.

Tại hội nghị chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố xanh và thân thiện môi trường" giai đoạn 2023 - 2025, GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, đánh giá nạn xả rác bừa bãi ở TP HCM gần như là vấn đề nan giải.

Nguyên nhân cốt lõi là ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, môi trường của không ít cá nhân, doanh nghiệp. Họ chưa nhận thức đầy đủ và tự giác chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn nhiều bất cập trong việc thu gom, xử lý rác thải và phát hiện đối tượng vi phạm.

Trao đổi về kinh nghiệm của TP Thủ Đức, GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng cho biết rác thải thường phát sinh tại các khu vực đất trống xen cài trong các khu dân cư; các khu đất công chưa đưa vào sử dụng; đất trống dọc các tuyến đường giao thông; khu vực dưới chân cầu, dạ cầu; khu vực đất trống tại các nút giao, dự án chậm triển khai.

Vì vậy, địa phương phải thường xuyên làm việc, kiểm tra việc thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường tại các dự án; tổ chức các buổi họp tiếp xúc, đối thoại; đề nghị chủ đầu tư cùng địa phương tổ chức ra quân tổng vệ sinh, dọn dẹp theo định kỳ, xây dựng các tường chắn bảo vệ ranh đất dự án, xử lý các điểm rác phát sinh và tái phát sinh.

Song song đó, hợp tác với sinh viên của một số trường đại học và lực lượng Đoàn viên thanh niên tiến hành khảo sát thực tế, ghi nhận các điểm rác phát sinh.

Sử dụng flycam (drone) để kiểm tra và ghi nhận các điểm rác phát sinh tại các khu vực dự án có diện tích đất trống lớn hoặc sử dụng phần mềm GIS để cập nhật thường xuyên, liên tục các điểm rác phát sinh, tái phát sinh để dễ dàng quản lý và chỉ đạo xử lý kịp thời.

Tạo các group mạng xã hội giữa đơn vị với lãnh đạo các phường để tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý các điểm rác phát sinh...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật